Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, August 24, 2014

Tiếng dương cầm ở Mỹ Đình

Nhiều người quen nghe nhạc cổ điển rồi, thường chê những dòng nhạc hòa tấu, không lời “semi-classic” của Paul Mauriat hay Richard Clayderman là “trình độ thấp”. Cũng như những cái tai cao siêu không nghe được ca sỹ “Nệ Dơi” hát vậy. Nhưng đêm 23 tháng Tám, ở Trung tâm Hội nghị quốc gia có đến 3000 người “trình độ thấp” như vậy.

Và trên toàn thế giới cũng có đến không biết bao nhiêu người “trình độ thấp” tự móc túi mua đến 150 triệu bản CD và cassette nhạc của ông. Chẳng phải ai mà chính nhạc của hai ông Paul Mauriat hay Richard Clayderman đã rủ rê mình đến với việc nghe nhạc cổ điển.

Có những điều mà nhạc cổ điển không có được, là biết bao giai điệu hay, đi vào lòng người và rất xúc động trong những ca khúc mới sáng tác trong các giai đoạn thập kỷ 1960, 1970 hay 1980… (tất nhiên cũng rất nhiều trong số các ca khúc đó có nguồn gốc hoặc lấy cảm hứng từ nhạc cổ điển). Nếu muốn nghe những giai điệu của chúng dưới góc độ hòa tấu, thì phải có những nhạc sỹ hay nhạc công như vậy. Với mình, có thể nhạc cổ điển cũng đã dần dần chiếm nhiều thời gian nghe nhạc, nhưng vẫn có lúc nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, vẫn nghe Metallica, nhưng vẫn trung thành với ABBA… và tất nhiên, không phản bội lại những người đã “xúi giục” mình đến với nhạc cổ điển.

Bạn đã bao giờ được nghe Richard Clayderman chơi một Medley những bản của ABBA chưa? Đêm qua cùng 2999 người khác, mình được nghe. Và không phải gì khác, Ông ấy đã mở đầu bằng đoạn nhạc dạo mình thích nhất của “The winner takes it all”. Bất chấp những dèm pha, thì các giai điệu đẹp mình đã yêu cùng không khí nghe biểu diễn trực tiếp, cùng sự hâm mộ của những người yêu nhạc “bình dân” ở Hà Nội, đã làm cảm xúc của người người, trong đó có mình, lên đến đỉnh cao.   
“Hoàng tử âm nhạc” (“Hoàng tử” đơn thuần mang tình hình thức thuần túy với mái tóc vàng để xõa) nay đã ngoài 60, cũng đã già, với chất giọng thanh thanh cao cao, hơi thẽ thọt kỳ lạ, tiếng Anh giọng Pháp… nhưng phong cách rất thú vị, hóm hỉnh làm cho mình thực sự thích Ông ấy.

Mình về sau thích nghe dàn violin (cũng đã từng chia sẻ ở trong bài viết nào đó về những trích đoạn violin tuyệt vời của Henry Purcell), nhưng hôm qua được nghe sự kết hợp của piano với 8 cây vừa violin vừa cello của các nhạc công nhạc viện Hà Nội thể hiện “Theme from Schindler's list”; khi mà vừa mới xem lại bộ phim đó cách đây ít hôm… những cảm xúc về thân phận của con người trong chiến tranh, sống sau dây thép gai… những hành động anh hùng quả cảm của một “doanh nhân thành đạt” cứu hàng trăm người Do Thái thoát chết…

Cảm ơn âm nhạc đã nhắc nhở chúng ta nhớ lại những cảm xúc đó. Nếu Richard Clayderman không nhắc thì mình cũng không nhớ ra, rằng lâu lắm không nghe nhạc của Stevie Wonder với những ca khúc bất hủ "You Are the Sunshine of My Life", "I Just Called to Say I Love You"… đêm qua, mình trong số 3000 người được nghe một Medley như vậy. Cảm xúc của mình trải nghiệm lúc đó, là tuyệt vời…

Cách đây mười mấy năm, bắt đầu một tình yêu đẹp với nhạc của Richard Clayderman, chính tình yêu đó lôi mình nghe nhạc của ông ấy trở lại sau một thời gian nghe nhạc cổ điển. Đêm qua, cố rủ cho được cô người yêu đó cùng đi nghe nhạc của nhạc sỹ cô ấy thích, biểu diễn trực tiếp ơ Hà Nội, thật tuyệt vời chứ! Cũng biết không có gì hoàn hảo cả, nhưng đã có một mong ước nhỏ nhoi là cái đồng hồ đeo tay cô ấy tặng vốn hỏng đã lâu vì thiếu linh kiện, nếu được chữa thì tốt quá. Thế mà, trước buổi biểu diễn 10 ngày thì nó được chữa xong thật, và với mình, buổi nghe nhạc cùng người yêu, là hoàn hảo… và chính Richard Clayderman đã mở đầu buổi biểu diễn của mình bằng bản nhạc “À comme amour” và sau đó mới là “Ballad pour Adeline” bất hủ.

… tầm như mình, chẳng bao giờ được đi nghe một buổi nhạc như vậy với những cặp vé rẻ cũng 1.800.000 đồng, còn đắt thì 6.000.000 đồng. Nhưng chỉ một câu thôi, khi mình viết lúc nào đó: “Sẵn sàng không mua ô tô và dùng số tiền đó thực hiện một chuyến đi Châu Âu và nghe một buổi hòa nhạc.” Có một bạn thường đọc “Người lang thang cuối cùng” đã gửi tặng lão gàn một cặp vé…

So, I'd like to say, “Thank you for the music!”




Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment