Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, June 9, 2014

Mù lòa luận

Đi đường mà bị ai đó đâm hoặc dọa đâm xe vào mình… nhiều khi hét toáng lên: “Đi đứng cái kiểu gì đấy? Mù à?”. Thật ra, câu đó hoàn toàn không sai lắm...

Mù, đơn giản là thiếu đi một chức năng của các giác quan, chức năng quan trọng nhất là “nhìn” – các cụ nhà ta có câu “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, đã thiếu đi hai con mắt thì khả năng rơi vào nghèo khổ là lớn lắm, còn đã có đôi con mắt đã là một sự giàu có lớn lắm rồi.

Mới chỉ gần đây, khoảng hai chục năm gì đó, người ta mới dùng nhiều từ “khiếm thị” để thay cho những từ “mù, lòa”; nghe nó tàn nhẫn thế nào. Trong số chúng ta chắc hẳn đã từng thử tưởng tượng ít nhất một lần, rằng nếu chúng ta mù, thì tình hình sẽ ra sao… tất cả đều phải giải quyết thông qua các giác quan khác và trí tưởng tượng. Thật là một thực tại khủng khiếp. Có thể người mù sẽ được bù lại về độ nhậy phi thường bằng các giác quan khác, nhưng không nhìn thấy gì, vẫn là không nhìn thấy, không gì khủng khiếp hơn như thế.

Tìm đọc các điển tích Phật giáo, thấy nhiều chuyện kể về nhân quả, nghiệp báo… thường những người trong kiếp này bị khiếm khuyết một phần nào đó của cơ thể, đều là kết quả của những cái nguyên nhân không tốt trong quá khứ từ kiếp nào trước đó. Lại có cả dạng những người bị “mù màu”, không nhìn thấy một hoặc vài màu nào đó, hoặc tất các các màu nhìn ra “ảnh đơn sắc” hết. Đúng là hỏng hóc cái gì, thiệt cái đó.

Thật ra, chỉ riêng nói về “thị giác” thôi, có thì quá tốt, nhưng nhiều khi, “có” cũng lại là tai họa – nào là dùng chính cái “thị giác” đó để nhòm ngó chuyện riêng người khác, để xem những điều không lấy gì làm đẹp đẽ… ngay cả những bộ môn nghệ thuật dùng thị giác như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh… người ta cũng sa vào ngã mạn, thích tự nâng mình lên, tự huyễn hoặc bản thân và tệ hơn nữa, đi “dìm” người khác.

Đọc “Thần thoại Hy Lạp” có anh chàng Narcisse nào đó vì quá đẹp trai sinh kiêu căng, và sau đó chỉ có thể yêu chính bản thân mình mà thôi. Từ khía cạnh đó suy ra những người đang tự hào về ngoại hình của bản thân, hay thậm chí cả những gì mà người ta tưởng như bền vững: kiến thức, những năng lực nhạc họa, văn thơ… quên đi một điều rằng rồi sẽ đến một ngày tất cả những điều đó chỉ toàn là hư ảo... Chúng ta hoàn toàn không nhận thấy một điều, là hầu hết chúng ta đang sống trong cái nhân thế này, đều là mù cả.

Một anh chàng cắm đầu cắm cổ phóng tít mù, vượt cả đèn đỏ, tạt đầu tạt đuôi xe khác… trông cặp “pha” thì sáng quắc thế thôi, nhưng thực ra đúng là anh ta mù – mù thực sự luôn. Anh ta đang vì một cái sự mê muội nào đó, che mờ mắt, và phóng thục mạng bất chấp luật lệ và cả tính mạng bản thân cũng như những người khác, để đạt được cái mục đích mê muội đó.

Cuộc đời của chúng ta cũng vậy thôi, nhiều khi tham nọ, tham kia… mà chúng ta lao vào như con thiêu thân, từ phạm pháp như cờ bạc; đến hợp pháp như lướt chứng, lướt đất, lướt vàng… đến một ngày lãi không thấy đâu mà đã thấy những con số âm, rồi lẩn rồi trốn… có phải đời còn thiếu những tấm gương đâu, nhưng biết đấy mà không sợ đấy, cứ nghĩ chẳng bao giờ những điều đó sẽ đến với mình.

Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chẳng phải cũng là một dạng mù sao?

Nếu ta có một người bạn yêu khắc khoải một ai đó mà không đến được với nhau, rồi cứ mỗi ngày chứng kiến một sự khắc khoải mới – ta có thể gọi đó là dạng “tình yêu mù quáng” – chữ “mù” ở đây hẳn là không oan. Nếu nhìn ra được vấn đề nằm ở cái duyên cái nợ không gắn kết được họ với nhau thì cũng đã bắt đầu được “ghép thủy tinh thể” để “thoát mù” rồi.

Kenny Sang.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Trên thực tế anh chàng này
dù mắt đeo kiếng đen
nhưng chắc là nhìn tốt.
Vì thế mà một người đeo kính tối đen đặc cầm gậy dò dẫm ngoài kia, chưa chắc đã mù, còn chúng ta, thì chưa chắc đã nhìn thấy đường. Có thể hôm nay, ngày mai… từng người trong số chúng ta có thể mở được mắt ra mà nhìn rõ ràng cho mình con đường phải đi, dù ngày hôm nay chúng ta có thể phát những cái ngôn kiểu như “cần lộn ngược thế giới lại” (Đặng Lê Nguyên Vũ), “cạp đất mà ăn” (Ngọc Trinh), “Tôi chỉ muốn làm mặt trời thôi. Vì mặt trời thì chỉ có một” (Đàm Vĩnh Hưng) hay “ở ngoài tôi rất ít khi nhìn ai. Ai đẹp và hợp mắt tôi thì tôi sẽ nhìn, còn ai tôi thấy không vừa mắt thì tôi không them để mắt tới…” (Kenny Sang)... (dù đang chứng minh rõ rằng với những suy nghĩ kiểu đó có nghĩa là có mắt, nhưng hoàn toàn không dùng để nhìn, và cũng như mù) – biết đâu mai chúng ta lại nhìn thấy con đường sáng để đi thì sao?

Để “Ngộ” ra một con đường sáng, nhiều khi chỉ trong một khoảng khắc, nhưng cũng có khi phải cần một biến cố. Miễn là, biết dùng trí tuệ mà nhìn, thì đã bắt đầu “thoát mù” rồi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment