Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, April 28, 2014

Tự hào luận

Vừa hai tháng trước, Vê Tê Vê tổ chức chương trình Âm nhạc Gia điệu Tự hào: 
““Giai điệu Tự hào” được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format Chương trình truyền hình “Tài sản quốc gia” – chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ năm 2009-2013) của lịch sử truyền hình Nga.” (Theo Website “Bài ca đi cùng năm tháng”).
Hóa ra pho-mét là của Nga, ta mua về và đổi tên, nhất cho chữ “tự hào” vào, ngay lập tức nó mang tính chính trị sao sao đó, đâm ra mình vốn chán chẳng buồn quan tâm chuyện chính trị, nên cũng chẳng bao giờ xem cái chương trình ca nhạc này.

Hồi bé, mỗi lần đất nước có dịp kỷ niệm gì đó to to, là thích lắm, háo hức lắm. Truyền thông của ta hồi đó chỉ có tivi, báo và đài, toàn “lề phải” cả - cứ là nghe xem suốt ngày các “giai điệu tự hào”. Năm 1982, kỷ niệm 10 chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”; hai năm sau, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “thật”; rồi một năm sau nữa, kỷ niệm 10 năm ngày Giải phóng Miền Nam… trẻ con mà, đã thế lại là con trai, cứ nghe tuyên truyền về chiến thắng quân sự, là sướng, là “tự hào”. “Tự hào” là gì nhỉ?

Từ điển tiếng Việt bẩu: “Tự hào là lấy làm kiêu hãnh một cách chính đáng” (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 829, mục đầu tiên). Ái chà, bắt đầu có chuyện rồi đây – dưng ta bàn về chuyện này sau.

Lên núi tìm giáo sư Google, gõ cụm từ khóa “Việt Nam tự hào” thì ta nhận được “About 13,500,000 results (0.22 seconds)” – lại phải “Ái chà” phát nữa, oách ra phết. Ca ngợi có, dèm pha cũng có – kiểu “tự hào” giá dịch vụ y tế cao nhất thế giới, tỉ lệ chị em “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài bán thân cao nhất thế giới... Lại thấy một đống đường link dẫn đến ông tổng giám mục nào đó phát biểu “được” xà xẻo “Tôi hổ thẹn là người Việt Nam”… đủ các thứ, thôi cái đó bà con lên mạng mà đọc, chẳng cần cái lão gàn dở này bàn thêm làm gì.

Tra tiếp từ điển Hán Việt, thì “tự hào” (自豪) trong đó phải tra chữ “hào” [ - háo], có các nghĩa: (1) Người có tài xuất chúng (2) Phóng khoáng, không gò bó, thẳng thắn và (3) Ngang ngược. (Từ điển Hán Việt của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 2004, trang 314, mục đầu tiên). Đáng chú ý là chữ “hào” này có nhiều nghĩa: nó trong chữ “hào sảng, phóng khoáng”, nhưng cũng trong chữ “xa hoa, phô trương, lộng lẫy, tráng lệ”, cũng trong các từ “hào kiệt”, “lẫy lừng”; lại trong “hùng hồn”, “hùng tráng”; tệ nhất vẫn là “ngang ngược”  và “phô trương”.

Trên mạng có một bạn trẻ nào đó viết một bài “Chưa bao giờ tôi thôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam” liệt kê ba chục điểm đánh số từ 1 đến 30:

Chưa bao giờ tôi thôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam…
1) Tôi tự hào vì nước tôi trải dài từ Bắc chí Nam, không đâu là không có thắng cảnh, không đâu không có di tích văn hóa. 
2) Tôi tự hào vì trường tôi mang tên Lý Tự Trọng, Châu Văn Liêm, Kim Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du, Lê Lợi…
3) Tôi tự hào vì mỗi tên đất, tên đường ở xứ tôi đều viết bằng tên người chứ không phải đánh số.
4) Tôi tự hào vì quê tôi có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thì ngập lụt mùa nắng thì hạn hán nhưng chưa có ai ở nước tôi chết đói.
5) Tôi tự hào vì nước tôi có núi, có sông, có rừng, có biển chứ không phải chỉ toàn cát như Iran và Ai Cập.
6) Tôi tự hào vì nước tôi có 54 dân tộc trên 85 triệu dân thay vì 56 dân tộc trên 1600 triệu dân.
7) Tôi tự hào vì người Sài Gòn nói: “trời hôm nay nóng quá” chứ không phải là “It’s hot” như người Anh.
8) Tôi tự hào vì tôi có thể bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nói chuyện cho cả anh bạn ở Hà Nội và ở An Giang đều hiểu.
9) Tôi tự hào vì nước tôi có 4000 năm văn hiến chứ không phải 400 năm.
10) Tôi tự hào vì thủ đô Hà Nội là Thăng Long 1000 năm chứ không phải Washington 220 năm.
11) Tôi tự hào vì Văn Miếu là đại học đầu tiên ở Đông Nam Á.
12) Tôi tự hào vì lúc nhỏ mẹ đã ru:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ Nhu
Chín trăng em đợi ngàn thu em chờ
13) Tôi tự hào vì bia Tiến sỹ.
14) Tôi tự hào vì chữ Nôm, chữ Quốc ngữ chứ không phải chữ Tàu.
15) Tôi tự hào vì 1000 năm Bắc thuộc, vì hôm nay vẫn là công dân Việt Nam chứ không phải người tỉnh Việt Nam của Trung Quốc.
16) Tôi tự hào vì nước tôi là quốc gia đầu tiên trong số các thuộc địa giành được độc lập thực sự.
17) Tôi tự hào vì Nguyễn Trãi đã viết:Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
18) Tôi tự hào vì Michael Jackson đổi màu da và vì Lê Chiêu Thống đã nói: “Da có thể lột được nhưng áo không thể đổi. Đầu có thể chém được nhưng tóc không thể cắt.”
19) Tôi tự hào vì cái xấu xí mà Hoàng Cầm viết:Những cô hàng xén răng đen / Cười như mùa thu tỏa nắng.
20) Tôi tự hào vì sự tích Trầu Cau, sự tích bánh chưng bánh dày…
21) Tôi tự hào vì Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, vì ông Hạng đánh thần gió, vì Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời.
22) Tôi tự hào vì cô Tấm là nhân vật cổ tích duy nhất có tên. Tất cả họ đều vô danh.
23) Tôi tự hào vì Sơn Nam viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam chứ không phải lịch sử tàn sát người da đỏ.
24) Tôi tự hào vì Đoàn Giỏi đã viết Đất rừng Phương Nam: “Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh… cho ta thêm yêu, dấu chân ngàn năm đi mở đất, cho ta thêm yêu bầy chim sáo, sổ lòng…”
25) Tôi tự hào vì Huỳnh Văn Nghệ đẽ viết:Từ độ mang gươm đi mở cõi / Nghìn Năm thương nhớ đất Thăng Long
26) Tôi tự hào vì cây Kơ-nia đã nói: Hỏi cây uống nước đâu, uống nước từ miền Bắc…
27) Tôi tự hào vì Tế Hanh đã nói:Tôi nay sống trong lòng miền Bắc / Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc / Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng Miền Nam.
28) Tôi tự hào vì người xưa đã viết: Việt điểu sào nam chi, chim Việt bay về phương Bắc, không phải cành cây phía Nam thì không đậu, không phải nguồn nước chảy về Nam thì không uống.
29) Tôi tự hào vì tôi không phải người miền Bắc, không phải người miền Nam mà là người Việt Nam.
30) Tôi tự hào vì Phạm Văn Đồng đã nói: “Không có miền Bắc đánh thắng miền Nam, trong trận chiến này, cả dân tộc chúng tôi đều thắng.”Còn nhiều cái để tôi tự hào về Việt Nam lắm , kể ra thì đến hết mai mất..
Tôi vẫn chưa bao giờ thôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam.Việt Nam của tôi không giàu có, nhưng đã không còn là nước nghèo chỉ sau hơn 20 năm phát triển, trong khi Singapore có 100 năm và nước Mỹ 300 năm. Việt Nam chúng tôi yên bình, những người trẻ tuổi có thể yên ổn học hành mà không sợ bị đánh bom hay xả súng, khi đất nước này chỉ có được hoà bình 35 năm, mà người Mỹ thì không khi Mỹ chưa bao giờ hứng chịu bất kỳ cuộc chiến tranh quốc tế nào.Việt Nam của tôi nợ tiền của nhiều quốc gia, tổ chức thế giới, nhưng cũng là chủ nợ về máu xương của chính những quốc gia ấy. Việt Nam của tôi gòng mình hứng chịu chiến tranh, chưa thôi đau đớn vì những vết thương chiến tranh để lại, nhưng vẫn tiến lên phía trước…
Bao nhiêu đó cũng đã đủ đế tôi vỗ ngực nói với bạn bè quốc tế rằng: “Tôi là người Việt Nam!”
Nguồn:http://tienphongonline.vn/bai-van-tu-hao-nguoi-viet-nam.html   

Tiếc là theo đường link trên không tìm thấy bài gốc nên không biết tác giả là ai, giọng thì có vẻ học trò, nhưng có gì đó không thật, rởm rởm; như của người lớn viết. Thôi không sao, việc phân tích phản bác để dành cho bà con. Mình chỉ thấy áy náy mỗi một câu thôi: “Bao nhiêu đó cũng đã đủ đế tôi vỗ ngực nói với bạn bè quốc tế rằng: “Tôi là người Việt Nam!””

“Vỗ ngực” à? Chúng ta thường nhìn thấy hình ảnh này ở đâu nhỉ? Trong đầy những bộ phim dã sử Trung Quốc chiếu suốt ngày trên tivi chứ đâu! Chúng ta cũng thấy hình ảnh đó ở đâu đó bên Bình Nhưỡng tuyên bố chiến tranh với người anh em miền Nam của họ, chứ nào có thấy người Nhật người ta “vỗ ngực” bao giờ đâu. Chúng ta chỉ thấy người Nhật, người Hàn, mỗi khi chào, người ta gập người xuống, chứ không thấy người ta vỗ ngực bao giờ. Nhưng những gì họ làm được sau chiến tranh, chúng ta cần gì phải nói đi nói lại nữa?

Cũng trên mạng, tìm được vô số những bài văn khác mà các cháu đang tự hào nào là thành tích đứng thứ 3 ở Seagames, nên người Việt Nam ta có thể trạng sức khỏe tốt; khổ cái, các cháu không được biết đến Việt Nam ta đang có tỉ lệ các cháu dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 30%. Và cũng nên tự hào rằng, thành tích ở cái “vùng trũng” đó đều được áp đặt “các môn thế mạnh” của nước chủ nhà, nó toàn thế mạnh mà ta còn đứng thứ 3. Tưởng “trường quốc tế” thế nào, chứ quốc tế mấy ông ASEAN, lần nào cũng chơi “trò mèo” đến ông Thái Lan còn phát nản, đặt mục tiêu khác, khỏi thèm chơi với mấy ông còn lại. Mà chính ông Thái đó là ông chưa bao giờ thèm tự hào đã đánh thắng “thằng nọ thằng kia” về quân sự.

Cũng trên mạng, tìm được vô số các bài văn khác mà các cháu đang tự hào về những Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu… nhưng chính cái tỉ lệ thất nghiệp của các tân cử nhân, kỹ sư ra trường, những nhận xét thanh niên Việt Nam không làm được việc từ phía những người quản lý nước ngoài… đã đủ chứng minh, thành tích quốc tế của những Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu… kia, chỉ làm đẹp mặt cho ai đó, chứ với quốc dân đồng bào là chẳng có ý nghĩa gì mấy.

Bài văn ca ngợi sự “vỗ ngực”, mà lại được cho là bài văn hay về lòng tự hào – đó chính là điều đáng sợ cho giáo dục Việt Nam vậy. Tệ nhất là nó còn đổ lỗi cho các “đất nước thù địch” nào đó, về những món nợ máu xương. Tiếc là hầu hết những cái mang tính nhân văn, văn hóa, thì cái không chắc đã có thật, cái thì đang bị xâm hại và bào mòn, và rất nhiều cái chúng ta đang tự hào, là vì chúng ta đánh được người khác, với đúng nghĩa đen của từ “đánh”. Cái gọi là “tự hào” đó, chính là sự xấc xược. Xin nhớ rằng Đức hoàng đế Quang Trung sau khi đánh đuổi hai mấy vạn Quân Thanh, ngay sau đó sang triều cống, “xin lỗi” nhà Thanh – mà chiến công quân sự đó cũng kinh khủng chứ, dăm bữa nửa tháng hành quân thần tốc, làm nên Ngọc Hồi, Đống Đa (nếu phải thời internet cũng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu chứ đùa à).

Ai cũng có quyền tự hào, thắng xong rồi cứ mê mải sỉ nhục đối thủ, chẳng phải là khôn mà cũng phải biết ngượng mồm chứ.

Chính vì “Tự hào là lấy làm kiêu hãnh một cách chính đáng” người ta cố gò cho vụ “lấy làm kiêu hãnh” cái đoạn “một cách chính đáng”; mà cũng chính cuốn từ điển đó, ở trang 442 mục 3 từ trên xuống, cột 1, “kiêu hãnh là kiêu căng” – chấm hết. (Xin xem phần định nghĩa ở trên) Té ra, bản chất của “tự hào” là xấu, chẳng có gì là hay ho cả. Gốc chính là sự kiêu căng, tự mãn. Người ta chỉ tự hào vì những gì đã làm được trong quá khứ và chính những cái làm cho người ta đang vênh vang, “vỗ ngực” trong hiện tại, còn trong tương lai, có làm được cái gì hay không, còn chưa có biết. Đó là còn chưa kể một quá khứ và hiện tại bê xê lết.


Nên chăng, không phải đưa vào cho giáo dục của ta, nhiệm vụ “giáo dục lòng tự hào”, mà phải là “giáo dục sự hổ thẹn”, như người Nhật ấy, người ta biết hổ thẹn vì bản thân mà đất nước vươn lên thành cường quốc? Cái có ích cần học là sự “khiêm tốn” thì không học, cứ thích học cái “vỗ ngực”, huyênh hoang, khoác lác. “Tự hào” bình thường như thế đã không ổn, mà tự hào quá đà đâm ra kiêu căng, chẳng biết hạ mình. Ngày ngày đi ra đường gặp biết bao nhiêu người “tự hào”, không bao giờ muốn đụng tay vào làm những việc bình thường mà người ta cho là tầm thường. Nên Việt Nam ta, nhiều người lười nhác chỉ chơi nhong nhóng là như vậy.

Nhớ hồi Việt Nam ta có quả vệ tinh thứ hai (đi thửa ở đâu đó) phóng lên giời, thế là cái anh “chủ quản” Vi En Pi Ti thuê ngay Vê Tê Vê làm đoạn phim quảng cáo để bà con (nhà ta, tất nhiên, không nhẽ là bà con Mỹ à?) xem mà “tự hào”: “Tự hào Việt Nam viễn thông có vệ tinh Vinasat” – sao không nói thêm, riêng một trường Đai học tổng hợp quốc gia Mátxcơva (MGU) từ mấy chục năm nay họ đã có đến 6 quả như thế bay loăng quăng trên trời?

Nhưng dân gian Việt Nam ta cũng “tỉnh đòn” lắm, nghe vậy, biết vậy, chứ chắc gì đã tin vậy. Vì thế mà nếu lại hỏi Giáo sư Gu-gờ về chủ đề “tiếu lâm Phạm Tuân bay vào vũ trụ” thì có mà hàng trăm chuyện, đến mức chính chú Phạm Tuân còn phải than lên là “Khổ quá, tôi đi lên vũ trụ là do Đảng, Nhà nước phân công chứ nào có gì đâu mà người ta cứ bịa hết chuyện nọ đến chuyện kia về tôi…” xem ra, “người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ” bị làm đối tượng của sự đám tiếu thì chỉ là nạn nhân của cái lòng “tự hào” kỳ dị nào đó mà thôi.

Ai tự hào, thì cứ tự hào, còn bà con, cứ cười thôi, cười cho vui, cười mãi, cười mãi người ta tưởng bà con bị rồ…

Ảnh trong bài có nguồn từ internet, chỉ có tính chất minh họa.

Bài liên quan: "50 cái điện thoại"

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment