Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, April 10, 2014

Tạch tạch sè

Ngày xưa kiểu ăn mặc đầu tóc
như thế này
dễ bị quy là "tiểu tư sản"

(Hình chỉ có tính chất minh họa 
kiếm được trên internet).
Bố mẹ mình đều thuộc “thành phần tiểu tư sản”, mà ngày xưa người ta gọi là “tạch tạch sè”. Hồi bé thấy mẹ cứ phải khai lý lịch: thành phần tiểu tư sản, là hỏi: “tiểu tư sản” là gì? Chắc câu hỏi đó gây khó cho người lớn vì làm thế nào giải thích được cho trẻ con hiểu đâu có phải là dễ. Đâm ra nghe lời giải thích lằng nhà lằng nhăng, cái đầu óc trẻ con lại hiểu “tiểu tư sản” chính là tầng lớp trí thức.

“Tiểu tư sản” theo “Từ điển tiếng Việt” (Nhà xuất bản khoa học xã hội – Hà Nội 1977) là “Giai cấp trung gian giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, có chút ít tư liệu sản xuất hoặc tài sản, như tiểu thương, trung nông.” (mục cuối cột 1, trang 771). Chẳng biết thế nào, dứt điểm ngày xưa sau 1954 “được” quy cho là “tạch tạch sè”, thì đừng có mơ mà “nhất y nhì dược”, được đi sư phạm là may. Không thì có mà “hạ phóng” về nông thôn mà lao động sản xuất.

Đương nhiên, đã là tư sản thì phải bị cải tạo, còn “tiểu tư sản” thì dễ thở hơn nhiều. Đối ngược lại với những “tàn dư của chế độ cũ”, một làn sóng mới được đem từ đâu đó về thành phố theo chân các cán bộ vừa bước ra từ… cải cách ruộng đất. Bố mình kể mặc cái áo sơ mi sáng màu “ăn trắng mặc trơn” cũng ngại bị quy là học sinh thành phố, “tiểu tư sản” – đâm ra cả xã hội một màu xanh công nhân xám xịt. “Tiểu tư sản” ngơ ngác và lạ lẫm trước những đặc điểm chưa thể quen được của một “nếp sống mới”. Cán bộ địa phương vào nhà, thấy nhà chưa ăn cơm, mở ngay lồng bàn lên kiểm tra xem hôm nay ăn cái gì, có cá có thịt “biểu hiện của bóc lột” hay không. Cán bộ bị ông nội mình đuổi ra khỏi nhà, thấy bố kể, có to tiếng cự cãi gì đó… đến khi cả đoàn kéo đến làm khó mới phát hiện ra cái ông “tiểu tư sản” cứng đầu này, mặc dù là công chức chế độ cũ, nhưng lại tham gia hoạt động tự vệ thành, chính cái ô tô con của ông nội dùng để chở… vũ khí cho khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Cán bộ ngậm ngùi kéo về…

Ông nội bảo, “nếp sống mới, Cách mạng kiểu gì lại đem cái sự vô văn hóa áp đặt lên cái văn hóa.” Lúc mình đã học cấp hai, nghe ông kể lại như thế. Ông rất hiền, nhưng có vẻ cũng không vừa, cũng biết bảo vệ cái mà ông cho là lẽ phải.

Để xây dựng “nếp sống mới” còn phải thủ tiêu cả những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến cũ, nhất là về lề lối sinh hoạt, lời ăn tiếng nói. Cán bộ đi học giừ giừ gặp thày cô cũng xêm xêm tầm tuổi, xưng hô “thày con” nghe có vẻ ngượng mồm, chuyển xưng “thày, em”. Cái lối xưng hô này nhiễm đến tận thời thế hệ 197x, 198x… nghe chẳng ra làm sao. May quá, đến thế hệ 199x và sau này, các cháu mới lại “thày cô xưng con”. Có những chuyện sửa là đúng, như đàn ông trong nhà ăn riêng ngồi mâm trên, nay ăn cùng cho thuận tiện lại bình đẳng… nhưng cái vụ bỏ thưa bỏ gửi hay bỏ cả “con mời ông bà bố mẹ ăn cơm”; rồi trẻ con thanh niên gắp nháo nhào nhào, chẳng chờ người lớn tuổi gắp trước… thì không còn là “bình dân hóa” nữa mà là “du côn hóa” mất rồi.

Không còn là “thiếu giáo dục” nữa, mà là người ta còn được giáo dục như thế. Những kiểu xưng hô lễ độ, bị coi là “cổ hủ phong kiến, tiểu tư sản”; phải bỏ, thay thế bằng những thứ của tình “đồng chí thân thương”.

Đâm ra mình vì “bị tiếp thu tàn dư của chế độ cũ” cũng có nhiều cái bất lợi, lắm lúc bị đánh giá là “lễ độ không phải lối.” Bây giờ nhiều khi đi đường xa công tác, hỏi đường phải bỏ kính, xuống xe, đi đến tận nơi chào rồi mới hỏi đường. Lớp trẻ sau này, họ ngồi trên xe mà hất hàm, rồi cần gì cảm ơn, phóng vù đi luôn, nhanh, tiện lợi, đỡ tốn thời gian. Lối sống hiện đại phải như thế.

Từ lúc lấy vợ đến bây giờ, mình vẫn giữ cái cung cách cổ hủ, lạc hậu như thế: “Làm ơn cho anh xin bát cơm!” rồi nhận lại “Anh xin!” “Dạ không có gì”… chắc trước mắt các cán bộ, cái lối cầu kỳ, kiểu cách như thế hoàn toàn không có lợi cho “chiến đấu và lao động sản xuất”. Dần dần thấy có nhiều ông bố bà mẹ cùng chia sẻ cách giáo dục con cái lễ độ như vậy hơn.

Mới đây, lên trên mạng sửng sốt khi thấy có những cặp vợ chồng gọi nhau bằng những từ rất xách mé – cũng như đã từng sửng sốt trước đây gặp một cặp gọi nhau bằng “tao mày”. Lý do “gọi nhau như thế cho thân mật, tình cảm” và “bọn em học cùng nhau từ bé quen rồi” mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nào có dám áp đặt lên ai cái gì… nhưng “lễ giáo phong kiến” các cụ dạy “vợ chồng coi nhau như khách”. Thế liệu chúng ta có phân biệt được lúc “tình cảm thân mật” với lúc cần phải “anh em” trước mặt con cái hay không, hay thân mật quá rồi đến lúc cần “khách sáo” thì lại thấy ngượng mồm?

Mình cũng chứng kiến trường hợp gọi nhau bằng “tên âu yếm” kiểu như “anh cu em hĩm”, đến lúc “anh cu” đang cáu, gặp đúng lúc bị gọi “anh cu” thẳng tay phang ngay vào “alô”: “Này thì “cu” này, cu cu cái con mẹ mày!”. Thôi xong, bình quý đã vỡ, khỏi hàn gắn.

Tưởng là cầu kỳ cảnh vẻ, nhưng nếu cứ dùng mãi như tiêu chuẩn, thì sau lại thấy bình thường, còn nếu “bình dân hóa” mãi đến lúc muốn nâng tiêu chuẩn lên lại thấy khó khăn. Hóa ra là cứ nâng tiêu chuẩn lên có khi còn dễ sống hơn là lúc nâng lên, lúc hạ xuống…

Còn nếu muốn dùng “tiêu chuẩn thấp” cho tất cả các trường hợp, kể cả “nuôi trồng con cái”, thì tùy thôi...

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây     

No comments:

Post a Comment