Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, April 8, 2014

“cmnr”

Viết blog có cái thích là độc thoại một mình, chẳng ai phản hồi gì cả, do đó cũng chẳng cần biết ai đọc ai không, ai phản ứng thế nào.

Hâm lên thế nào mà moi cái nick Facebook lập từ tám mươi đời ra “chơi” và sinh ra cũng bơi trên mạng xã hội, “chém” như ai. Vui nhiều hơn là buồn, nhìn chung ra chơi trên Facebook cũng rất thích, nhưng cũng thấy có nhiều chuyện thị phi thật cũng không ra sao, mà phần lớn là dính vào những người trẻ tuổi.

Hồi đầu mới lên thấy rất lạ, là rất rất nhiều bạn trẻ cứ bình luận (comment) vào một bài viết (status, post) của người khác, là thường đệm thêm một dòng chữ “cmn” hoặc “cmnr” – mãi mới hiểu “con mẹ nó” hoặc “con mẹ nó rồi”. Đọc từ đầu đến cuối, thấy họ hoàn toàn không có ý chửi bới gì nhau, mà thậm chí, còn khá thân ái nữa là khác. Nhưng họ cứ phải chửi đệm chửi thề như thế.

“Làm như thế thì hỏng bố nó mất” (có thời nói “hỏng “xừ” nó mất!” – “xừ” là “me xừ” gốc là “monsieur” tiếng Pháp là ông, cũng có thể hiểu là “hỏng bố nó mất”) – nghe đỡ bậy, đỡ nặng hơn là “hỏng mẹ nó mất”. Cũng như câu chửi “Đan Mạch mày” gần như là câu chửi nặng nhất. “Mẹ” là một khái niệm thiêng liêng với hầu hết tất cả mọi người, do đó người ta cũng nghĩ là chửi mẹ nhau lên, là xúc phạm dữ dội nhất rồi. Tuổi thanh niên thì thích học những cái vớ vẩn đắp lên người để tỏ ra ta đây là sành điệu, khác người. Khổ cái, làm đẹp tâm hồn mình bằng trí tuệ thì phải học hành, nên người ta nhanh chóng học nhau cái ngôn từ, tiện lợi lại dễ đem ứng dụng. Và người ta học chửi thề. Dần dần thành quen, người ta coi đó là thứ ngôn ngữ bình thường của cuộc sống mà không còn nhận ra nó là tiêu chuẩn gì nữa. Thậm chí có những cô gái rất xinh xắn, khi gặp ở ngoài nói chuyện hết sức bình thường, nhưng lên mạng lại “cmnr”, thật khó hiểu.

Nếu như xem phim Mỹ nhiều, người ta cũng băn khoăn là chẳng nhẽ người Mỹ chửi thề nhiều như thế… chắc gì đã như vậy – vì đọc văn học Mỹ người ta vẫn có những câu “ngôn ngữ anh ta sử dụng của tầng lớp bình dân”. Điều đáng sợ, cái tiêu chuẩn vừa đề cập trên đây, đã lan tràn trong xã hội ta, trở thành một chuẩn mực bình thường. Không còn là “bình dân hóa” nữa, mà là “hạ đẳng hóa”.

Mình không có ý định chia cắt xã hội thành những tầng lớp, không ai hơn ai cả, không bình dân hơn và cũng chẳng quý tộc hơn. Chỉ có những con người, những thực thể cá nhân khác nhau về cách cư xử làm cho họ khác biệt.  

Mình không phải không thích tếu táo, nhưng mình thấy hoàn toàn không cần thiết phải sử dụng những cái món “cmnr” đó để làm đồ trang sức. Tất nhiên để dụ được bà con chiếu cố đọc bài cho mình mà không có những đồ trang sức có thể nói là rẻ tiền đó, mình phải đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn, đọc và học gần như không ngừng nghỉ. Tất nhiên là những post của mình, vì mình giữ một không khí vui vẻ, cố gắng hài hước, nhưng vẫn phải trên cái nền lịch sự và văn hóa. Một câu đùa theo hướng “bình dân hóa” đều được vào trong ngoặc kép, để người chú ý hiểu lập tức là đùa.


Nhiều bạn trẻ cũng tham gia vào các topic của mình, và họ rất lịch sự - dù ở chỗ khác có thể họ vẫn “cmnr”, mình rất cảm kích trước sự tôn trọng họ dành cho mình như vậy. Nhưng bằng những dòng tâm sự này, mình vẫn mong họ sửa dần, ít dần “cmnr” để nâng cái “nền văn hóa” của bản thân lên – suy cho cùng thì không mất gì của họ mà chỉ có lợi mà thôi.

Một cơ thể đẹp đẽ của một cô gái được trang trí bằng những hình xăm thật mỹ thuật, rồi đến lúc già nhăn nheo, lại muốn quay về những gì nguyên gốc. Bỏ những câu chửi thề, dễ hơn nhiều. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” là thế, chẳng ai bỏ được cái gốc của mình.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment