Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, March 25, 2014

Tôi và Đặng Lê Nguyên Vũ

Mình có viết một số bài về đề tài “Tôi và một ai đó” lấy cảm hứng từ “Tôi và Cù Huy Hà Vũ” của anh nghị Hoàng Hữu Phước. Thực tâm, khi viết những bài đó, hoàn toàn không có ý so sánh hay chê bai gì – càng không có ý bắt lỗi, vì thực ra, mình biết gì đâu mà chê bai, soi mói. Càng ngày, nhận thấy cách viết này càng cần phải có sự hiểu biết hơn, là đọc thấy người ta thế, thì soi xét lại mình, chiêm nghiệm lại mình mà tự sửa sang bản thân cho tốt hơn. Mỗi người mỗi ngày cho ta một bài học là như thế. Hôm nay, chúng ta học đến thày Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trên thực tế, thì mình không biết anh chàng này – chỉ biết cùng một thế hệ, và đâu như là ông chủ của một thương hiệu cà phê nổi tiếng, một người thành công về tài chính, có thể nói là thành đạt. Một người rất đáng ngưỡng mộ. Mình chỉ thực sự chú ý đến anh chàng này một chút mới chỉ cách đây khoảng nửa tháng một tháng gì đó, đọc trên mạng thấy bác nào bảo, anh Vũ anh ấy phát hiện ra, thế giới để quên một ngọn cờ tên là “cờ nhân văn”; Việt Nam ta mà không nhặt thì thằng khác nó nhặt mất, mà nếu cái thằng khác ấy lại là… “thằng” Trung Quốc thì chí nguy… đại khái thế. Thôi kệ, mình cũng chẳng biết “nhân văn” và “cờ nhân văn” ra sao, nên không bàn. Khổ cái, anh ấy không để cho mình yên – mới chỉ cách đây vài hôm thôi, người ta phang cho một bài tách làm hai “49 ngày nhịn ăn, Đặng Lê Nguyên Vũ tìm gì?” – thôi thì tìm cái gì, tìm có thấy không… thì cũng kệ anh ta, đấy là việc của anh chàng. Nhưng 49 ngày vào rừng ngồi nhịn ăn thiền định như Đức Phật ấy, đáng chú ý lắm chứ… và nào, ta ngó qua tí, nhể?

Đọc bài báo mà thấy… ong cả thủ. Nhiều kiến thức quá, rộng quá, toàn thứ siêu việt cả, đã thế, anh Vũ anh ấy khéo kết bạn với rất nhiều trí thức học giả tầm cỡ lịch sử: từ Đức Phật đến Khổng Tử, sang Thành Cát Tư Hãn về Thomas Jefferson; lại chỉ trích cả Hítle và ngó sang Einstein. Cả Lý Thường Kiệt lẫn thiền sư Pháp Thuận cũng không tha, đã thế tư tưởng còn mang mầu sắc huyền bí của những câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” (dẫn cả “Ali Baba và 40 tên cướp” – xin đọc phần hai bài báo).

Đặng Lê Nguyên Vũ và mình có một điểm chung đầu tiên, theo bài báo, Vũ mê đọc sách từ nhỏ, còn trên thực tế, từ nhỏ, mình mê đọc sách. Điểm khác trong vụ này, Vũ dùng đèn dầu, trùm chăn, hun khói, muội mồ hóng bám đen vào mũi như thợ mỏ. Còn mình, không yôga siêu việt được thế, nên dùng đèn bàn dòng dây điện vào chăn, cũng đọc.

Điểm chung thứ hai, có vẻ đúng thôi nhé, là cùng ham thích triết học, “ní nuận”. Dưng về vụ này, dường như, chúng ta đi theo hai hướng khác nhau Vũ ạ. Để mình phân tích cho Vũ nghe nhé. Mình ấy mà, mình ham thích triết học từ hồi hàn vi, nên mình trở nên hâm hâm dở dở, mình lờ phờ trong lĩnh vực kiếm tiền và đến bây giờ hàn vi vẫn vi hàn. Còn Vũ như thế nào mình không biết, nhưng có vẻ những tư tưởng triết học của Vũ phát tiết mạnh khi Vũ đã rất thành đạt về tiền, đã có rất nhiều tiền. Mà đã có tiền, thì người ta làm được nhiều việc lắm – kể cả… đến với người tình triết học. Điều đó, mình không bằng Vũ, mình ngốc – nhẽ ra mình cũng phải kiếm tiền trước đã, rồi nho nhoe triết lý sau, thì “miệng kẻ sang có gang có thép”, hắt xì hơi một cái có thằng cong đít chạy đến chép đăng báo ngay… Thời bao cấp đi xe đạp lọc cọc tán gái, đọc thơ cả tối rã bọt mép nàng vẫn thờ ơ, tối hôm sau thấy nàng ôm eo “thằng 67” vừa quen hồi chiều. “Trăm lời nói không bằng làn khói Honda” là thế.

Trong nhận thức, Đức Phật có đưa ra một cách diễn giải rất hay, đó là “đốn ngộ” – ví như sự nhận thức rõ ràng của chúng ta với một vấn đề nào đó như đốn một cái cây vậy, mỗi hôm hiểu một tí, như nhát rìu nhát rựa, để rồi một ngày, cái cây to đổ ầm, kéo theo đủ các thứ rêu phong, mục nát, tầm gửi, lá cành và để lại cho chúng ta một khoảng trời xanh. Nếu như trước cửa nhà chúng ta có một cái cây to bị chặt khi chúng ta đi vắng, về nhà ta thấy nhà cửa cứ sáng trưng là như thế. “Đốn ngộ” hay đường đi đến cái sự “ngộ”, nó phải sáng hơn, chứ không có tối đi, như rúc đầu vào bụi rậm vậy.

Chúng ta từ lúc sinh ra đến khi học hết đại học, sơ sơ học tập cỡ khoảng tròm trèm 20 năm gì đó. Trong thời gian đó, người ta ví sự học tập như việc chất đầy của cải lên một cái xe, và chúng ta chính là những người phu kéo chiếc xe đó, đi đến cuối cuộc đời. Càng ham học, thì chúng ta càng chất được nhiều lên cái xe đó – nhưng chúng ta quên là sức người có hạn, có phải là con lừa đâu mà kéo được nặng như thế, nên biết cái gì chất lên, cái gì bỏ lại… cái gì trên đường đời có thể chỉ cần ngó qua, “Ừ, nhìn thế, biết thế” rồi cho nó qua đi mà đi tiếp. Kiến thức của loài người cũng vậy, trước thì người ta bảo, nó là cái còn mãi, tiền có thể mất, nhưng kiến thức đã học thì không bao giờ mất. Nhưng dần dần chúng ta hoang mang, vì hóa ra hiểu biết của con người luôn luôn cạn kợt, hạn chế, như khoa học là phương tiện nhận thức của con người luôn luôn có giới hạn vậy.

Vũ ạ, Vũ còn ôm quá nhiều đủ các tư tưởng vĩ đại. Mình trước đây cũng vậy, đọc hết cả Hêraclít lẫn Sôcratét, Đề Các lẫn Vonte, “chơi” luôn cả Mác Ăngghen lẫn Lênin – nhưng sức mình không kham được hết các ông đông như thế là một, và nay mình tìm thấy phương pháp của Đức Phật chỉ cho, và thế là, mình đang tiến hành bỏ sạch những thứ mình đã chất lên cỗ xe, mà có khi, tiến tới mình còn vứt nốt cả cái xe ba gác ấy đi nữa. Chúng ta khác nhau là ở chỗ đó.

Nhưng mình thấy Vũ có một tư duy thú vị - đó là ở phần đầu bài báo, Vũ kể Vũ lật ngược cái quả địa cầu, để “Trung Quốc trở thành bệ phóng cho Việt Nam bay lên” và Vũ đề xuất, “chúng ta phải tư duy ngược lại” – ý là phải có cái mới mẻ, biết đặt ngược vấn đề… chuyện dài à nha! Nhưng chính ý tưởng này của bạn, làm cho mình, một người hoài cổ nhớ lại một câu chuyện cũ – chuyện “Mít Đặc và các bạn” của nhà văn Xô-viết Nhicalai Nôxốp. Trong đó, Mít Đặc khi bay trên quả khinh khí cầu thấy mây ở dưới chân, hoảng quá, cho rằng là quả cầu đã bay ngược, bất chấp bạn Biết Tuốt giải thích gì thì giải thích, ấn tụt cái mũ xuống tai cho khỏi rơi và không nghe thấy cái gì ở ngoài nữa… Tư tưởng đó của Vũ, nhân văn lắm đấy. Hóa ra, từ lâu nay Vũ rưng rưng thương bà con nam bán cầu của trái đất xanh, từ nước Úc “chuột túi” đến Nam Phi “kim cương”, từ nước Ba Tây chuyên đá bóng đến Á Kan Đình quê hương của Chê Guêvara… ai cũng chổng ngược đầu xuống đất mà chổng chân lên trời…

Thế thôi, chào Vũ nhé, chúc Vũ tiếp tục kéo cái xe của mình đi mạnh khỏe!

P.S. Không phải “tát nước theo mưa” với phong trào dìm hàng cà phê của Vũ đâu, nhưng mà lâu nay mình không uống được cà phê Trung Nguyên của Vũ, và Tết rồi chẳng hiểu ai cho hộp cà phê tan G7 mình uống cũng thấy vậy – là cà phê của Vũ uống vào tầm một giờ, thì mình thấy người rất mệt, tim đập lung tung beng, người mệt bải hoải, tâm thần bấn loạn. Tình trạng đó kéo dài khoảng 2, 3 giờ thì hết.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment