Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, March 1, 2014

Mẹ con chị mèo

Gà cảnh Serama
Khu vực có mấy con mèo hoang. Trong đám đó có một con mèo cái “thanh nữ” – một ngày nó qua nhà được bà bọn trẻ con cho ăn, thế là nó đến đều đều và sau đó, nó ở lại luôn…

Tự dưng, nhà không xác định sẽ nuôi mèo, lại có mèo. Nó nghiễm nhiên trở thành thành viên của gia đình. Vì có nguồn gốc mèo hoang, nó không cảnh vẻ “chỉ cá mới ăn”, mà có cái gì, ăn cái ấy. Được cái, ở nhà vẫn còn trẻ con, lại có con chó già nên vẫn có thịt cá cho nó ăn bình thường. Như trả ơn sao đó, con mèo thật hay chuột – nó bắt được chuột liên tục và bây giờ thì cả khu vực mấy nhà đều không có chuột. Mỗi tội nó là mèo cái và chửa đẻ cứ luôn xoành xoạch – phát mệt vì phải giải quyết con của nó, gặp ai cũng hỏi: “Nhà mình có định nuôi mèo không?”.

Phải nói thêm cho rõ, gia đình khi bắt đầu nuôi chó, là hồi đó chưa theo Phật, và hùa theo phong trào nuôi chó Nhật – nhưng chưa sinh lợi được tí gì thì phong trào đã qua nhanh chóng, nhưng vì tình nghĩa, nên nuôi tiếp đến cùng. Cũng đã xác định sau con chó này sẽ không nuôi thêm con gì nữa – nhất là nuôi chỉ để làm cảnh. Vì sao hả? Đơn giản thôi, đã làm cảnh là nuôi nhốt, mà đã nuôi nhốt, là làm mất tự do của một ai đó. Dù có thể chúng ta tưởng rằng nếu thả ra nó sẽ chết, nhưng thực ra cái giống nó thế, là do con người tạo ra mà thôi. Vốn dĩ một cách tự nhiên, nó là con vật tự do. “Tất cả SINH VẬT đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” – Bản tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ đáng nhẽ ra phải viết như vậy – nếu Thomas Jefferson là Phật tử thì chắc ông ấy đã viết như thế rồi.

Khi những sinh vật vì một cái “duyên” nào đó, tự dưng gắn kết với nhau – thật ra đúng là duyên từ tiền kiếp. Người với người cha mẹ vợ con… thì không nói làm gì, nhưng tự dưng có con chó con mèo, mình nuôi nó là phải chăm sóc nó, rồi nó ốm có khi phải gọi cả bác sỹ thú y chữa cho nó, gia đình đi đâu xa phải vắt óc nghĩ xem gửi nó ở đâu được… không phải kiếp trước ta nợ gì nó hay sao?

Và mẹ con chị mèo này cũng vậy. Một mặt, nó thấy nhà mình tự dưng cho ăn, qua bữa nào được chén bữa ấy, không sai bữa nào… thì thấy tình cảm mà ở - thế thôi. Mặt khác, chắc chắn nó và gia đình mình nợ nần gì nhau từ kiếp trước rồi.

Vì thế, chắc là (lại chắc là, làm gì mà chắc là lắm thế!), những người tự dưng mê mẩn với những thú chơi chim cảnh, cá cảnh, chó cảnh, gà cảnh (không khéo cả… người cảnh) là những Chúa Chổm từ kiếp trước, kiếp này tự dưng cứ đâm đầu vào những cái đam mê đòi hỏi đổ rất nhiều công sức và cả tiền bạc như thế. Tất nhiên sẽ có những người có thể kiếm tiền được bằng thú chơi, thậm chí giàu – nhưng hãn hữu thôi, tốn kém là chính.

Đôi điều về những thú chơi của con người. Đời là bể khổ, nên con người có đam mê, suy cho cùng cũng là một thứ khổ. Không có thứ mình thích đương nhiên là vật vã, còn có rồi lại thích cái khác… chẳng bao giờ dừng. Đừng nghĩ vật vã rồi thỏa mãn là sướng – cái sướng đó như một ông nghiện được thỏa mãn chốc lát rồi lại lên cơn. Người kinh nghiệm thì bảo: “Phải biết điểm dừng” – nhưng cũng xin đảm bảo rằng, dừng là thôi hẳn “giải tán sạch đồ đạc” (như dân chơi máy ảnh hay nói), chứ mấy ai dừng lại là vừa lòng với những cái mình đã sắm… đã lao là lao tiếp! Một khi đã đam mê, đừng tính toán về tiền! Nếu ai đó hoang mang là cái con chó Ngao Tạng tiền tỉ, thì cũng nên hoang mang luôn đi: “lạ nhể, có mỗi cái ống đen đen lắp mấy cái kính lúp được gọi là “len lờ” (*) mà đắt đến vài chục cả trăm triệu”… thật vô cùng.

Tất nhiên những cái đam mê này lành mạnh hơn những trò “tứ đổ tường” rất nhiều, nhưng chúng ta đã biết, đã chơi là tụ tập cộng đồng, rồi hỉ nộ ái ố, thị phi chành chọe, tránh sao được. Đời mà, mỗi người một tính… Nhưng xét từ góc độ Đạo Phật, thì đam mê theo hướng “vô cơ”, tức là công nghệ, sẽ đỡ tạo nghiệp hơn so với những đam mê như nuôi gà chọi, trâu chọi mà bắt nó đánh nhau… vì xét kỹ ra thì đó cũng là hành hạ động vật – nặng nhất về gây nghiệp, sau đó là nuôi làm cảnh cho đẹp.


Vừa nãy lần đầu tiên được biết về gà cảnh Serama. Công nhận trông nó đẹp thật, một cách kỳ lạ và thấy người ta bẩu đắt lắm - nhưng cảm tưởng của mình chỉ dừng lại ở đó, không hơn. Bắt một thằng cha đã theo Phật phát biểu cảm tưởng về gà cảnh đã khó; lại bắt một thằng cha là con nhà nghèo, tiết kiệm đã quen, phát biểu cảm tưởng về thứ gà đến vài chục triệu đồng một con – cũng như con chó Phú Quốc nào đó 100 triệu đồng… Nói dại nó rù nó toi, “bão” H5N1 tràn qua có mà vỡ nợ!

Vì thế bác nào đã đam mê những thú vui “trả nợ” cho động vật cảnh như thế và quyết định được “thôi đây điểm dừng”, xin chúc mừng!

Và cũng vì thế, bớt được cái đam mê nào, mừng cái đó.

(*) "Len Lờ" - ống kính máy ảnh loại "L" của Canon.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment