Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, January 15, 2014

Năm Ngọ nói chuyện Ngờ Ọ

Không để ý dạo này có thế không, chứ trước đây thì năm nào các số báo Xuân báo Tết cũng có bài: Năm Thân nói chuyện Khỉ, Năm Ngọ nói chuyện Ngựa. Năm nay mình cũng buôn chuyện… Ngựa.

Hồi nhỏ ngựa là cái con vật mà mình mê vẽ nó nhất, và chắc là vẽ cũng đẹp nhất. Mê xem tranh của Từ Bi Hồng vẽ ngựa, rồi những bức tranh vẽ ngựa tuyệt đẹp của Tây, như bức “Napoléon bốc đầu” cưỡi con ngựa trắng… còn trước đó nữa là những bức họa vẽ Triệu Tử Long cưỡi bạch mã, Quan Vân Trường cưỡi xích thố… toàn là ngựa cả. Người ta không ngoa khi bảo rằng ngựa là giống vật đẹp nhất sau con người.

Hồi nhỏ không mơ xe máy ô tô đẹp như người lớn đâu, mà mơ làm hoàng tử, mà đã hoàng tử, là cưỡi bạch mã; đi đón công chúa. Lớn hơn một tí đọc “Con ngựa gỗ mun” trong Nghìn lẻ một đêm, nó có cái chốt vặn một cái bay vụt lên trời. Rồi đọc “Ô-đít-xê” của Hô-me có con ngựa gỗ to đại tướng, quân lính chui vào mà chiếm thành.

Người Mông Cổ là dân tộc có lịch sử gắn bó với con ngựa với ông Genghis Khan lừng danh. Tục ngữ Mông Cổ có câu “Thời gian như bóng ngựa vút qua lều” đầy hình ảnh của một dân tộc du mục vùng thảo nguyên. Có nhiều câu tục ngữ, thành ngữ gắn liền với con ngựa, đúng là cùng với chó, ngựa cũng là một giống vật gắn bó chặt chẽ với con người thật lâu đời. “Hàm chó vó ngựa” (hai thứ ngày nguy hiểm như nhau) “Nồi da xáo thịt” (Da ngựa làm nồi, nấu ngay thịt ngựa – chỉ chiến tranh huynh đệ tương tàn)… Con người có thể dùng trâu, dùng voi, dùng chó, dùng hươu dùng tuần lộc làm sức kéo, nhưng người ta dùng “sức ngựa” (HP – Horse Power) để đo công suất, chứ ai đo bằng “sức trâu sức bò” đâu.

Nhìn chung là Việt Nam ta không có ngựa, nên cũng không có truyền thống lắm về ngựa nghẽo. Hồi bé xem truyên tranh Sát Thát (truyện Lê Vân, tranh Nguyễn Bích, NXB Kim Đồng) có vẽ kỵ binh Đại Việt đánh nhau với kỵ binh Nguyên Mông, nhưng chắc chủ yếu là kỵ binh dùng kỳ binh, đánh nhanh rút gọn với lực lượng nhỏ theo lối du kích mà thôi, chứ đôi công với họ chắc không có được. Ngựa của ta thì bé tí như con bécgiê to, chạy lọc cà lọc cọc, sao sánh được sức với ngựa Ả-rập với Mông Cổ. Họ cũng chọn mùa lạnh mà sang, chứ đến mùa nực bệnh tật không hợp thủy thổ, có mà ngựa nghẽo chết ráo.


Về sau chơi PC game “Thời đại các Đế chế” mới để ý ngày xưa nếu muốn tiến hành chiến tranh, thì việc phát triển kỵ binh là không có đùa, đắt gấp 3 lần bộ binh. Đại Việt ta chẳng nên phát triển cái quân chủng xa xỉ ấy làm gì, đất nước thì nhiều kênh rạch sông ngòi, có mà dở hơi phát triển cái món thời thượng không phù hợp đó. Có một chuyện nghe thày Lê Văn Lan kể, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258), quân ta đứng bên này sông Cà Lồ, “lêu lêu” sang bên kia sông bọn Nguyên Mông tập trung. Ai dè chúng nó bắn nên như mưa lên trời, những mũi tên dài đến cả 2 mét, rồi lao cắm xuống sông. Những chỗ nào tên nổi lên thì chúng nó tránh, những chỗ cắm thò đuôi tên lên, chúng nó thúc những con ngựa cao lớn vượt qua ào ào, đuổi cho vua Trần cùng quân tướng chạy một trận trối chết. Vua suýt bị bắt, nhớ đời.

Đọc sách thấy kể về những trường hợp ngựa cứu chủ, như tích con Đích Lư cứu Lưu Bị, nhưng đó là tích. Trên thực tế đó là hoàn toàn những chuyện có thật.

Ngựa là gia súc, ăn cỏ. Nó được gắn liền với những câu như “Mặt dài như mặt ngựa” hay “Thẳng như ruột ngựa”… mặt nó dài nhưng hơi bị đẹp đấy… còn ruột nó thẳng như thế nào thì nào có nhìn thấy đâu mà biết!

Trước đây có bộ phim gì đó của điện ảnh nước nhà, thời phim nhựa đen trắng, có các anh công an vũ trang nay là bộ đội biên phòng đội mũ bịt tai, phi những con ngựa bé tí lọc cà lọc cọc nhìn phát nản. Có những đoạn phim tài liệu quay Bác Hồ đi công tác, cũng cưỡi những con ngựa y như thế. Lúc sang Tây, thấy ngựa Tây của họ nhìn to chết khiếp, ta cao mét sáu nhăm mà đỉnh đầu chỉ cao ngang cái mông của nó. Đương nhiên cái đầu của nó cao đến 2 mét hay hơn… dễ thường nó nặng đến 2 tạ ấy chứ chẳng chơi. Đâm ra hồi ngồi buôn chuyện với mấy chú lưu học sinh, đến chuyện mấy con ngựa của cảnh sát trên Quảng trường Đỏ Mátxcơva, là y như rằng các chú tủi thân: “Ngựa thế mới là ngựa chứ, đâu có như ngựa của Bác Hồ nhà mình…”. Ấy chân đất như thế mà toàn những chiến công chấn động địa cầu, mấy “Đế quốc to” thất điên bát đảo. Cả thế giới đang chờ chúng ta thực hiện nốt nhời tuyên bố giải quyết xong xóa đói giảm nghèo sẽ “Sánh vai các cường quốc năm châu” nữa là xong!

Trong 12 con giáp, ngựa hay Ngọ đứng trên 4 con nữa là hết. Vì có 12 địa chi đi với 10 thiên can, nên quy luật là lẻ đi với lẻ, chẵn đi với chẵn, chúng ta sẽ có Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ, Nhâm Ngọ - năm thứ ngựa. Sẽ không bao giờ có Quý Ngọ. Như vậy nếu theo phong tục đặt tên con theo thiên can địa chi của năm sinh, thì các cụ thân sinh của ông Quý Ngọ nào đó, chắc là có sự nhầm lẫn của Thiên can Quý Tị năm trước sang Địa chi Giáp Ngọ năm sau. Hoặc các cụ mong muốn đây sẽ là một con ngựa quý, tầm như Đích Lư của Lưu Bị, xích thố của Quan Công…

Nhưng cuối năm Quý Tị đã có những sóng gió nổi lên cho ông Quý Ngọ, mong rằng sang năm mới ông đủ sức vượt qua bão tố, và những gì người ta đang um sùm nói về ông trên mạng, ngoài đời… chỉ là những tin đồn thất thiệt, ác ý, vô căn cứ. Còn nếu những điều đó là đúng thật, thì những khó khăn bây giờ, cũng là xứng đáng theo nhân quả thôi, nào có đáng gì!

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây hoặc tại đây

No comments:

Post a Comment