Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, January 25, 2014

Hậu Tết mới chả nhất

Ai cũng vội vàng... chụp ngay sau vụ va chạm được kể trong bài
1. Vận trù học.
Không phải chỉ đến khi đi chúc Tết, người ta mới phải áp dụng “vận trù học” mà ngay từ trước Tết đã phải ứng dụng nhiệt tình rồi. Này nhé, đi thì đi một quệt: ông A bác B mà gần nhà nhau, ta vào luôn, đỡ mất công đi lại. Trước Tết đem đồ đi thắp hương tổ tiên ông bà ở các nhà họ hàng cũng y như thế. Hơn thế nữa, “vận trù học” còn phải được áp dụng từ xa xa lâu lâu nữa, đầu tháng Chạp, những việc gì cần phải làm, những thứ cần mua sắm… làm được sớm cái gì thì nên làm từ lúc còn thong thả. Để đến sát Tết, làm gì cũng khó khăn, vất vả, lại còn bị “đội giá”.

Cả năm làm ăn bận rộn, nhiều người để một số việc đến Tết mới làm một thể. Ông bạn bảo đi ô tô cả năm xước sát, méo mó để đến Tết đi tút tát một mẻ luôn – thế là ra ga-ra xếp hàng mất cả ngày vì ông nào cũng tính toán như vậy. Các ngành dịch vụ được một mùa chặt chém. Đừng nói ngày thường công việc bận nhé, ngồi cả nửa buổi ngoài hàng bia thì được.

Tại sao có những việc ngày thường cũng làm được mà lại cứ để đến Tết mới làm?

2. Vội vội vàng vàng.
Cả nhà ngồi lên taxi đi thăm cô em dâu mới sinh cháu đúng hôm Ông Công Ông Táo. Đi đến một nút giao có vòng xuyến, chú taxi điều khiển xe rẽ phải còn có một cô cao cao, đội mũ trùm kín, cưỡi Spacy trắng đi trong vòng xuyến rồi tạt thẳng sang đường, va ngay vào ô tô. Mình ngồi trong xe nhìn rất rõ là cô này chắc chắn va vào ô tô rồi: cái mũ trùm trên áo khoác, rồi mũ bảo hiểm nửa đầu đội lên trên bó cứng cái cổ còn xe thì không lắp gương, hoặc lắp một cái gì đó đại loại như loại “gương đối phó công an”. Chú taxi hung hăng, du côn ra phết, nhảy xuống chửi bới loạn xạ, rút cả chìa khóa xe… mình phải xuống xoa dịu cả hai vì cô bé kia (trộm vía, xinh xắn ra phết) cũng gân lên là “Anh đâm vào sau xe em” còn ông taxi thì tiếc tiền mai phải đi sơn xe, cũng gầm gào đòi đền, đòi đánh… mình phải thì thào: “Thôi người ta đồng ý đền thì lấy vừa vừa thôi, chứ căng quá cô ấy gọi công an thì chú thua, về lý thì người ta là xe bên trái chạy trong vòng xuyến, được nhường”. Cô bé cũng đáng trách, đi rất thiếu quan sát, đúng hay sai nhỡ người ngợm “làm sao” một cái thì cũng thiệt thân. Cuối cùng, nhờ có sự xoa dịu thật lực của ông hành khách mà chú taxi lấy 200 nghìn, và giải tán – phù, công an đứng cách đó chỉ 200 mét, không hơn.

Đúng, cô bé đi đúng luật, nhưng tham gia giao thông còn phải quan sát nữa chứ. Mình rất sợ những người đi xe máy mà không lắp gương này, ăn mặc phục sức hoàn toàn không phù hợp với đi xe máy này… ngày thường đã sợ, ngày Tết còn sợ hơn. Tết nhất, càng nhiều việc dồn vào, càng vội. Mà càng vội, thì càng dễ nguy hiểm. Từ mấy hôm trước Tết đã không biết bao nhiêu tai nạn xảy ra trên đường – rồi cả đến những ngày Tết nhậu nhẹt nữa. Dịp Tết với rất rất nhiều gia đình, cũng là dịp tang ma, và sau này cứ cuối năm, đầu năm, nhà lại có giỗ.

Hôm qua đi cả ngày, đếm ở dọc đường thấy ba cái tai nạn. Về nhà lên Facebook thấy status của một chú đàn em: “Đi đâu mà vội thế hả bạn? Tết thì năm nào chẳng có?” thật tâm đắc. Đúng, Tết thì năm nào chẳng có, cứ làm như đây là Tết cuối cùng của cuộc đời bạn không bằng ấy!

Tại sao có những việc ngày thường cũng làm được mà lại cứ để đến Tết mới làm?

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Hồ Chí Minh,
đoạn qua thị trấn Ngọc Lặc, Thanh Hóa
Chiều 24 Âm lịch.
3. “Cúi người nhặt mũ”.
Lần trước trong bài “Vệt phấn trên mặt bàn” mình đã viết về vụ “Cúi người nhặt mũ” rồi. Tết của những nước châu Á khác theo “hệ Tàu” như thế nào không rõ, nhưng với người Việt Nam, thì là những giây phút thiêng liêng, dù là cừu thù, cũng không đánh chửi nhau, vì tất cả đều hướng tới những điều tốt đẹp. Đó là văn hóa, có lẽ, rất văn hóa. Đã có nhiều câu chuyện viết về những phút giây ngừng bắn để đón Tết của bộ đội giải phóng với quân Việt Nam Cộng hòa. Hình như trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, chỉ có mỗi Tết năm Mậu Thân 1968 là “ta” rình lúc “nó” ăn Tết, nổ súng.

Nhiều khi hàng xóm, hay bạn cơ quan… ghét nhau cả năm, đến Tết nhìn thấy nhau, một cái nhìn, một cái bắt tay thân thiện… cũng đã hết ghét nhau, quan hệ trở lại bình thường. Tết – ngoài cái mệt, còn có nhiều cái hay ra phết.

Ơ, thế thì tại sao có những việc ngày thường cũng làm được mà lại cứ để đến Tết mới làm?

Nhời cuối: chúc tất cả mọi người chuẩn bị Tết an toàn, ăn Tết vui vẻ!

Đọc bài “Tết mới chả nhất” ở đây hoặc ở đây

Đọc bài “Vệt phấn trên mặt bàn” ở đây hoặc ở đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment