Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, January 29, 2014

Chó cắn con


Cả cuộc đời bị chó cắn ba lần. Lần đầu, 3 tuổi, đi chơi cùng bọn trẻ khác trong làng, bị chúng nó du vào cổng một nhà và ngay lập tức, một con chó xồ ra, đợp cho một miếng vào chân.

Hồi đó vẫn còn chiến tranh, mọi điều kiện thiếu thốn, đâm ra cũng chẳng tiêm tiếc gì. Nhớ lại, hình như mẹ hoàn toàn không có một thái độ đặc biệt gì về chuyện đó; chỉ đi xin cồn của trạm xá về sát trùng – thế thôi, không xuýt xoa, lại càng không gầm gào lên vì xót thằng bé. Chỉ nghe lỏm thấy mẹ nói với ông cậu: nó gan thế, cắn rất đau mà không thấy nó khóc tí nào. Ông cậu thì trêu: phải đi tiêm chứ không là cháu sủa gâu gâu như chó ý! Hai cái lỗ răng, để lại hai cái sẹo cái to bằng hạt ngô, cái bằng hạt đỗ xanh. Bây giờ thì nó vẫn ở chỗ đó, thỉnh thoảng nhìn thấy lại nhớ lại hình ảnh cái cổng tối om, có con chó hình như màu vàng vàng, chạy ra cắn rất nhanh…

Lần thứ hai, một con chó con bé tí nhà ông bạn, nó cắn bất cứ ai lại gần – là ông bạn kể thế. Đi qua, nó cắn cho một miếng. Vậy thôi, nó trẻ con ấy mà. Lúc này đã là 21 tuổi, nghĩa là 18 năm sau miếng cắn đầu tiên. Lần thứ ba, mới cách đây hơn một tháng, lại một cái mốc tầm hơn 20 năm nữa. Lần này, nhìn thấy ngay lỗi tại mình: con chó không cắn ai bao giờ vì nó được xích ngoài chỗ đông người, nhưng vì mình đi xe máy thẳng vào nó, lại đội cái mũ bảo hiểm kính thủy ngân xanh xanh đỏ đỏ loang loáng, nó tưởng bị tấn công – đợp cho một miếng.

Ông con trai thì từ bé đã quen chơi với chó – và con chó cũng rất quý thằng bé. Thằng bé đi đâu về, con chó cứ cuống quít hết cả lên mừng rỡ. Anh chị họ của thằng bé từ nước ngoài về, chúng nó cũng quen chơi với chó từ bên đó, nên dám cho cả tay vào miệng chó mà con chó không làm gì cả. Ấy thế mà có lần, nó cắn một đứa bé hàng xóm. Hai mẹ con chú nhóc nhà mình ra ngõ chơi, một đứa bé đi xe đạp loạng choạng đâm thẳng vào người – và con chó cắn ngay, nó còn nhe răng, đe doạ rất dữ. Nó tưởng cô bé kia tấn công thằng bé con của nó, và nó bảo vệ. Lý lẽ của nó đơn giản vậy thôi.

Mình bị chó cắn từ bé, nên xuất phát điểm là sợ chó. Từ đó, tìm đọc nhiều sách vở nói về tâm lý của chó, và cả cách đối phó, chính xác hơn là cách “đối xử” với chó. Lại phải nói chính xác hơn nữa, học cách làm cho nó không sợ, không thù ghét gì mình. Chó chúng nó rất khôn và tinh ý, thái độ mình thù ghét với nó, nó nhận ra ngay. Người ta bảo, mỗi người có một cái “vía” sao đó – người làm nghề bắt chó thì chó nó căm thù, đến ngõ thì chúng nó đã lồng lộn lên rồi. Dần dần, mình học được cách làm thế nào mà không bị nguy hiểm với chó, dù quen dù lạ: đem đến cho chúng nó một thái độ thân thiện. Khi mình thực tâm thân thiện, chúng nó nhận ra điều đó qua nét mặt, qua ánh mắt của chúng ta. Khi một con chó nó cướp miếng thịt trên bàn, nếu trừng phạt nó ngay khi nó cướp, việc đó rất tốt, nó sẽ hiểu nó bị đánh vì cướp miếng thịt. Nhưng nếu sau khi nó cướp rồi mà đánh, nó sẽ hiểu khác đi, chẳng hạn nó hiểu là bị đánh do để miếng thịt rơi xuống đất. Nghĩa là nó rất tinh ý, nhưng nó hiểu sự vật hiện tượng theo kiểu của nó. Người không thể áp dụng các cách hành xử của người cho chó được, vì người “động vật bậc cao”, phải có trí tuệ hơn chó. Việc huấn luyện con chó không cắn bậy, như Páplốp đã chứng minh, phải có bài khác: người ta cho nó tập cắn vào một số vật, đối tượng xác định và mỗi lần cắn đúng, nó được thưởng ngay, cắn sai, trừng phạt ngay. “Phản xạ có điều kiện”.

Quay lại với thằng bé con ở nhà. Cậu chàng về quê, được hướng dẫn nên không sợ chó, mà còn ra đếm… ti của con chó mới đẻ (“Chó đẻ thì dữ!”) và chính cậu ta, năm cũng khoảng 3 tuổi, tự phát hiện ra rằng, người chỉ có hai cái ti thôi, còn chó phải có đến 10 cái ti vì nó có thể đẻ đến 10 con chó con, như thế thì chúng nó đỡ tranh nhau…

Trẻ con có thể bị chó tấn công bất cứ lúc nào – cũng là một dạng tai nạn thôi, và cũng không chắc đã đau hơn bị ngã, bị đứt tay… chỉ có nguy hiểm là tiềm tàng khả năng con chó đó bị dại, thế thôi. Có con nhỏ, phải biết cách dạy con tránh nguy hiểm từ chó - lên mạng, nhất là tiếng Anh, rất nhiều bài hướng dẫn. Nhưng “của đau con xót”, nhiều người thấy con bị chó cắn, thì ngoài những biện pháp thông thường: sát trùng, đưa đi tiêm… còn có thêm cả vụ… hành hạ con chó – thậm chí đến mức tàn ác. Không ai trừng phạt được con chó đúng lúc nó cắn cả - do đó mọi hành vi trừng phạt, đều không có tác dụng với việc nó cắn người vì chúng ta không phải là những người luyện chó. Con chó sau khi cắn và bị trả thù, càng tàn ác thì càng hỏng, coi như bỏ đi. Nó sẽ bị hình thành một não trạng độc ác và thù ghét con người.

Trước đây trong bài “Đập muỗi” mình đã viết: đập con muỗi khi bị nó đốt, không giải quyết được vấn đề, vì đập con này, còn con khác. Ta cố đập cho nó bằng chết, chỉ thoả mãn cái thú tính trong bản thân chúng ta mà thôi. Con cái chúng ta, không vì thế mà tốt hơn lên, trái lại, lúc bé thì “con vàng con bạc” nhưng nhiều đứa lúc lớn lên bố mẹ lại than lên rằng, sao không để cho chúng nó chết đi từ hồi bé, lúc chúng nó ốm.

Không phải trẻ con cần sự giáo dục từ những chuyện bé nhất sao?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment