Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, November 5, 2013

Lời cuối


Vừa xem một bộ phim về một án tử hình cho một tên giết người. Gia đình nạn nhân cũng luôn luôn cố gắng kêu gọi công lý, “ác giả thì ác báo”.

Bộ phim có chủ đề chính là nói lên lòng yêu thương của Chúa dành cho tất cả, nhất là những người phạm tôi, những đứa con lầm lỗi của Chúa. Nhưng nó cũng nói lên cái người đời với Kinh Thánh: “Một mắt phải trả bằng một mắt”, nó cũng như nhân quả trong Phật pháp, đã gây nghiệp thì phải trả nghiệp.

Người đời thì không tin vào những gì không nhìn thấy. Như người ta đang không tin những gì nhà ngoại cảm làm được. Họ chỉ muốn phải có được ngay những kết quả cụ thể, ngay bây giờ, ngay trong kiếp này.

Hôm qua đài báo đều đưa tin việc ông Nguyễn Thanh Chấn được xem xét lại tội danh giết người theo trình tự tái thẩm. Ông ấy đã ngồi tù chừng mười năm gì đó. Chắc chắn dư luận, rất rất nhiều người sẽ rất bức xúc về chuyện đưa một người vào tù oan sai, trong khi những kẻ thực sự gây tội ác lai nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật. Còn nhiều vụ khác nữa, mà không chỉ là án chung thân, mà còn là tử hình. Và những thủ phạm thực sự, không bao giờ được tìm ra.

Chắc chắn từ sau đoạn này, có những người từ trước đến nay vốn dị ứng với những sự giải thích theo Phật pháp, lại tiếp tục khó chịu. Nhưng mình không tìm thấy cách kiến giải nào khác tốt hơn là những gì Phật đã nói, đã dạy.

Cuộc sống của tất cả mọi người, như một cái lưới thép khổng lồ mà mỗi người là một mắt trong cái lưới ấy. Người này ảnh hưởng đến người khác, và người khác nữa lại có ảnh hưởng đến người khác nữa. Ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu ngồi tù 10 năm mà chẳng làm gì trong kiếp này cả, nếu cố tìm lý do thì do cơ quan pháp luật làm ăn láo lếu, túm cổ oan người vô tội.

Nghiệp của ông ấy là như vậy, phải chịu ngồi tù 10 năm mà không cần làm gì cả. Những người túm cổ oan ông ấy, chỉ là công cụ định mệnh thi hành cái nghiệp của ông ấy thôi. Và đồng thời, khi tiến hành những hành động gây nghiệp – án oan sai cho ông Chấn, chính những người ấy lại tạo nghiệp ác cho chính mình. Có thể ai đó trong số họ sẽ bị điều tra, xét xử ngay trong kiếp này vì tội làm án oan cho người khác. Cũng có thể có người trong số họ thoát lần này. Nhưng sẽ không bao giờ thoát được khi mà họ còn trong vòng luân hồi.

Cũng tương tự với vụ án Nguyễn Đức Nghĩa và Nguyễn Phương Linh. Khi viết những dòng này tôi đã cân nhắc, có thể sẽ phải đối mặt với những lên án. Nhưng rõ ràng, nghiệp của cô bé Phương Linh quá nặng và trong chuyện đó, Đức Nghĩa là công cụ để cái nghiệp ấy nó đến. Còn Nghĩa, rồi cũng sẽ đến lượt. Có những nhân quả đến ngay trong kiếp này, có những nhân quả tận kiếp sau mới đến.

Những người “tội nghiệp, họ tốt lắm mà sao ra vậy…” là hứng những nhân từ kiếp trước. Còn những người trong kiếp này chưa trả giá, thì kiếp sau sẽ trả. Sẽ không bao giờ thoát được khi mà họ còn trong vòng luân hồi. Vậy thôi…

Luật Hoa Kỳ cho phép gia đình nạn nhân đến dự phiên hành hình tử tội. Chúng ta sẽ nghĩ sao khi chúng ta cũng mất mát, và có người nói với chúng ta “Thưa ông bà, nếu như cái chết của tôi có đền bù lại mất mát cho ông bà, thì xin ông bà hãy nhận lấy nó…”. Nhưng rõ ràng, như trước đây tôi đã từng viết trong bài Tấm ảnh, kêu gọi trả thù không bao giờ đem lại sự bình yên trong tâm hồn mỗi chúng ta. Thêm một cái chết, tâm hồn của chúng ta không hề được hưởng thêm hòa bình, mà sự yêu thương, sự tha thứ mới là quan trọng.

Đó chính là vấn đề của chúng ta, những người còn sống lâu thêm một thời gian nữa.

Khi bố mẹ nạn nhân khóc và kể lại những lời cuối cùng họ nói với con gái họ, về những đường viền đăng ten trên chiếc váy cô bé mặc – những lời thoại đó làm tôi lạnh người. Đúng vậy, chúng ta không thể biết mười phút sau, ba mươi phút sau hay ngày mai chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ gặp điều gì. Nếu chúng ta cáu giận một ai đó, rồi số phận chỉ một giờ sau không cho chúng ta gặp lại họ nữa vì bất kỳ lý do gì thì sao? Mà những người đó lại là những người chúng ta yêu thương nhất?

Vậy hãy luôn luôn để lòng yêu thương và bình yên ngự trị trong tâm hồn chính chúng ta, chứ đừng để lòng thù ghét tiến hành “đảo chính”, dù chỉ một giây…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

4 comments:

  1. Comment của bạn Binh Nguyen Russell ngày 29/12/2013:

    E đã đọc trong NLTCC nhiều lần và lại có dịp đọc thêm ở đây với nhiều ý kiến trái chiều. E chỉ xin nói chút suy nghĩ của mình về bài viết của bác mà cái hiểu của e cũng rất nhỏ bé hạn hẹp. Em thấy bài viết này hay, và với hững người có chút may mắn để có đủ duyên đến với Phật Pháp mới thấy bài viết này cực kỳ chính xác và nhân văn. Bất cứ điều gì xảy ra trên đời theo Phật pháp đều có nhân và duyên, k có bất cứ sự ngẫu nhiên nào. Tại sao nó chỉ xảy ra với người này mà k phải người kia? Sao lại ở thời điểm này mà k phải lúc khác? Những câu hỏi rất khó có câu trả lời chính xác nếu chưa hiểu về nghiệp quả. Tại sao những người đó đủ khôn ngoan nhưng lại k thể tránh khỏi những điều bất như ý hay kể cả mất mạng như Linh? Như kiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường hay nói khác đi là nghiệp nó dẫn dắt để trả xong những món nợ mà không cách nào tránh được như một trái cây đã chín thì phải rụng. PHẬT lý giải mọi chuyện xảy ra theo lý nhân quả, đã gieo thì phải gật còn nếu muốn k gặt thì đừng gieo. Đơ giản vậy thôi nhưng với con mắt phàm phu thì sẽ nhìn nó với nhiều góc độ và k chấp nhận được cái chân lý nhân quả ấy do nó quá mơ hồ. Lý do chính bởi Phật Pháp chẳng phải ai cũng lĩnh hội được mà nó còn tùy duyên của mỗi người. Thế nên dù có tranh luận đến cùng thì cũng k đi đến sự đồng thuận tuyệt đối bởi căn cơ mỗi người khác nhau.

    ReplyDelete
  2. Bạn Huy Anh hỏi:

    Bác giải thích thêm cho em phát! Em nghĩ ta cứ bám vào thuyết này sẽ gây ra khả năng ngụy biện....ko lẽ làm điều ác ở kiếp trước bắt buộc kiếp này phải trả giá???? Hoặc giả làm điều ác xong rồi lại đổ tại vì cái nghiệp nó thế nên tôi ko thể làm khác vì có tránh cũng chả được... Lý do lý trấu, đổ tại.... là thói quen rất xấu của con người VN. Hai là Khi không còn cái j để bấu víu ta thường tìm đến tâm linh để cắt nghĩa.... vậy 239 con người trên MH370 chắc kiếp trước cùng trong một trung đội phát xít nào đó đã gây nghiệp nặng nên mới phải chịu một kết cục bi thảm như vậy....

    ReplyDelete
  3. Người lang thang cuối cùng trả lời:

    Trong khuôn khổ sự chia sẻ trên Facebook sẽ khó mà nói hết, cặn kẽ được mọi ngóc ngách, và ngay cả sự giải thích từ những khái niệm cơ bản cũng là không nên. Do đó, đầu tiên, bạn cần tự nghiên cứu thông qua sự giúp đỡ của “Dr. Gúc” về những khái niệm của Đạo Phật liên quan đến NGHIỆP và LUẬT NHÂN QUẢ.

    Tiếp theo chúng ta cần xác định là “Với Phật, không có gì là bắt buộc”. Phật không bắt bạn, tôi, tất cả chúng ta tin vào những lời Ngài nói (“Ngay cả những điều ta nói, cũng đừng vội tin!” – Đức Phật nói vậy. Nghe đi đã hiểu đi đã, chiêm nghiệm đi đã rồi hẵng tin). Ngài chỉ có chỉ ra cho chúng ta, giải thích cho chúng ta, những điều những người phàm không thể nào thấy được.

    Như vậy, chúng ta vốn quen nhìn thấy cái hậu quả xảy đến hôm nay mà hoảng sợ, thậm chí kiên quyết không tin vào “NGHIỆP và LUẬT NHÂN QUẢ”, chúng ta kêu than rằng “Ối ông Giời ôi sao ông không có mắt, anh/chị/em/họ hàng nhà tôi sống lành như cục đất không làm hại ai sao bắt chết khổ sở tức tưởi thế này…” vì chúng ta không nhìn thấy cái NHÂN, nên không tin vào “mối quan hệ NHÂN QUẢ”. Phật bảo, này các chú, các chú rơi vào cõi người, vào luân hồi sinh tử thì đã là người phàm, các chú không nhìn thấy thì Phật dạy cho mà thấy. Vậy thôi. Vì thế, Phật bảo “làm lành tránh ác”, cũng có nghĩa là nếu chúng ta “đã làm lành rồi” mà vẫn gặp “dữ” thì chẳng qua, “lành chúng ta làm còn chưa đủ”. “Bồ Tát thì sợ nhân còn chúng sinh thì sợ quả” là như vậy. Nếu chúng ta không làm điều ác, thì không có hậu quả sau này sẽ đến với chúng ta – mỗi ngày “làm lành tránh ác” một ít, một ít… thì công đức nó sẽ dày lên.

    Cũng không nhất thiết phải đến kiếp sau mới trả quả. Có những nhân gây quả ngay kiếp này, có những quả gây ra bởi nhiều nhân, từ nhiều kiếp…
    ....>>>>>

    ReplyDelete
  4. ....>>>>

    Vậy thì ở đây tôi muốn nói với bạn điều gì? Sau khi bạn đã học “Dr. Gúc” về NGHIỆP và NHÂN QUẢ rồi, thì chúng ta sẽ nói đến một lý thuyết (tạm gọi thế) nữa, đó là CỘNG NGHIỆP. Bạn có nghiệp của bạn, tôi có nghiệp của tôi, ai còn trong vòng luân hồi sinh tử đều có nghiệp không hề nhẹ (ngon nghẻ thì đã ở cõi khác rồi). Những nạn nhân cùng trong một vụ tai nạn, đều có nghiệp nặng, và cái phép “tổng đại số” ấy nó xảy ra khi tất cả họ kéo hết lên một chiếc xe, một cái tàu bay… còn với những thiên tai như bão Katrina, sóng thần động đất… thì còn được giải thích có thêm nhiều yếu tố nữa, như cộng đồng dân cư sân si nhiều, lãnh đạo gây nhiều nghiệp chướng, tội ác…

    Vậy thì với bạn Nguyễn Đức Nghĩa và cô bé người yêu, cũng có thể hiểu, đó vẫn là một phép “cộng nghiệp” – có điều, cái kết cục nó sẽ khác với hai người. Tai sao Nghĩa hành động như vậy – điều này có lẽ còn ngoài khả năng giải thích của “Tâm lý học tội phạm” theo truyền thống Mác – Lênin vì anh ta không phải là tội phạm chuyên nghiệp – nhưng rõ ràng là anh ta cố ý thực hiện tội phạm, thực hiện đến cùng, và có ý thức che giấu tội phạm một cách man rợ. Bình thường, chúng ta sẽ hoang mang – “Sao con tôi ngoan như thế, mà lại chết đau thương thế này…” Người theo Phật chỉ cần giải thích, “vì nghiệp của cháu nặng…” là y như rằng “Phật là ông nào mà BẮT CON TÔI PHẢI CHỊU CÁI NGHIỆP NẶNG ẤY?” – không hề. Nghiệp của ai nó đeo theo người ấy, Phật không bắt.

    Bạn học “Tâm lý học tội phạm” rồi, bạn giải thích thế nào về hành động của Đức Nghĩa?

    Tôi chỉ nghĩ rằng, vào một thời điểm khác, hoàn cảnh khác và gặp một người khác, chắc chắn Nghĩa không hành động như thế. Có thể có cách giải thích “ma xui quỷ khiến” như kiểu bị “ma nhập, vong nhập”; nhưng ở đây tôi đã giải thích điều tôi hiểu rồi: Nghĩa nghiệp nặng, sa vòng lao lý và trước mắt là cái chết vì tử hình. Linh nghiệp cũng nặng, chết đau đớn, không toàn thây… và Nghĩa là công cụ. Không có cách giải thích nào khác. Điều này, ngoài khả năng nhận thức của con người, và cho đến nay, ngoài khả năng giải thích của khoa học.

    Nói mãi cũng không thể hết ý được, và nếu bạn không có ý định tìm hiểu (nếu như không nhầm, giống như trường hợp cái câu “thiện tai” trước đây bạn cũng như nhiều người hiểu là “tội lỗi” hay gì đó tương tự…) thì càng khó giải thích. Khi học Phật có một khái niệm nữa là “Bất khả tư nghị”, nghĩa là có những điều vượt ra khỏi suy luận của tôi, của bạn… tôi tin vào Phật, và càng học tôi càng tìm thấy phương pháp luận và tư duy mà tôi thấy khoa học, và bạn cũng có phương pháp riêng của bạn – Phật đã giải thích, chỉ dạy, hướng dẫn như thế, khi nào vỡ vạc, thì tin… vậy thôi.

    ReplyDelete