Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, October 11, 2013

"Tượng đồng phơi những lối mòn"

Cỡ nhỏ cũng phải trên ngọn cây
Canh cánh lời hứa với các bạn học cùng chuyên văn từ hồi cấp hai, viết bài về cô chủ nhiệm, nhưng chẳng biết xông vào cái “đề tài hót” ấy từ góc nào. Tự dưng hôm rồi trích hai câu thơ trong bài “Bác ơi!” của Tố Hữu mới nhớ ra lời hứa. Lúc đầu cũng định “giật tít” kiểu như “Cô chủ nhiệm” hoặc “Cô giáo dạy văn” nhưng thôi, chuyện còn phải tán nhiều cái lung tung nữa.

Chủ đề “Bác Đảng” luôn luôn là “chủ điểm mùa đông” chiếm phần lớn thời lượng “chạy chương trình” của giáo dục phổ thông thời đó. Học chuyên văn lại càng chết. Khổ cái, đúng là thơ Tố Hữu về “Bác Đảng” quá hay luôn, nhưng cô giảng, vẫn từng ấy ngôn từ, vẫn từng ấy “ní nuận”, càng về sau càng nhàm chán và sáo rỗng. Tố Hữu hoàn toàn không sáo rỗng thế, ông ấy chắc chắn phải rung động thực sự thì mới viết nên những vần thơ thổn thức đến vậy: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa / Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa…”, nhưng hồi đó cứ hễ đứa nào trong lớp viết “Nhân dân ta đã đứng lên chống lại kẻ thù…” là y như rằng cô chì chiết: “Thế trước đó nhân dân ta nằm à?” nhiều lần, nhiều lần như thế.

Học về chị Út Tịch “Còn cái lai quần cũng đánh”, cô nhắc đi nhắc lại tám chữ Bác Hồ tặng chị em nhà ta: “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Mình phụt ra: “Còn cái lai quần có mà cởi truồng” – bị một con bé bây giờ đã là bác sỹ châm cứu, nó mách cô, thế là xơi cái bản kiểm điểm. Trong lớp có cái thằng nghịch không kém, học hành thì cũng vớ vỉn cả hội với nhau thôi, văn của nó nhiều bài đọc ngửi không được, nhưng luôn luôn có “yếu tố xích líp pêđan” mà nó được điểm cao. Thời bao cấp thiếu thốn, nhà anh cu này mặt Phố Huế buôn lậu phụ tùng xe đạp, lại thức thời thân cô giáo bằng xăm lốp nên cuộc đời chuyên văn của nó dễ thở hơn nhiều. Nhân dân ở trong nó có trót nằm rồi vùng lên cũng không bị chì chiết mấy, còn chị Út Tịch của nó thì vô tư lộ hàng, chẳng sao cả.

Một quãng đời vừa đẹp vừa o ép.

Hai câu “Mong manh áo vải hồn muôn trượng / Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” trong sách giáo khoa trích giảng văn học có chú thích “Phong trào đúc tương Mao Trạch Đông bằng đồng đặt ở các con đường bên Trung Quốc” qua lời giảng của cô chủ nhiệm, bọn trẻ con tưởng tượng ra những bức tượng bằng đồng nhưng chắc chỉ to bằng cái phích thôi, dãi nắng dầm mưa ở những khúc quanh xó xỉnh của những con đường mòn trong rừng. Sau này sang Trung Quốc, thấy những “bức tượng to bằng cái phích” đó, toàn những bức to khủng bố, bằng cả tòa nhà vậy. Còn những cái “lối mòn” của họ thì cũng khủng bố không kém, có lẽ nó chỉ thua đại lộ Lênin ở Mátxcơva một tí thôi.

Cả một quần thể to đùng ở Thẩm Dương
Bây giờ gặp lại nhau, thăm lại cô, thấy cô cũng thay đổi nhiều. Thời thế đổi thay, con người cũng không thể giữ mãi như thế được. Nhưng cái sự “bốc thơm” thì còn mãi, nhất là ở mồm mấy ông tuyên huấn, tuyên giáo. Bốc thơm, khổ cái, nó lại không thơm cho. Mấy hôm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, xen giữa những ca ngợi thực sự xúc động từ đáy lòng của nhiều người, vẫn có những cái sự bốc thơm kiêm bốc mùi một cách phản cảm.

Ngẫm lại thời xưa chẳng trách cô giáo được, đến nhà thơ nhớn số một của nền thi ca Cách mạng Việt Nam mà còn điêu cỡ đó, thì sao cô tránh khỏi ảnh hưởng! Nhưng ở thời nay, bùng nổ thông tin mà còn lẩm cẩm giọng điệu của 30 năm trước đây thì đúng là thật đáng thương.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

1 comment:

  1. Thực tâm là rất muốn viết về cô chủ nhiệm thời đó, nhưng hồi đó cũng bị cô o ép nhiều quá, đâm ra ngại. Ngại vì sợ viết lại có giọng điệu hằn học, mà mình bây giờ, chẳng có gì là hằn học cả. Vẫn rất yêu quý cô giáo, thế thôi...

    ReplyDelete