Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, November 17, 2012

Đọc lại MẪN VÀ TÔI vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI

Bà Võ Thị Phận (phải) nguyên mẫu của nhân vật Mẫn

Lần đầu tiên tôi đọc MẪN VÀ TÔI là năm 1989, năm vừa hết phổ thông và vừa đi làm, vừa đi học. Đó là năm Cách mạng nhung ở Tiệp Khắc nổ ra.
 
Nhà nghèo, nên song song với việc đi làm còn là mơ ước thi đại học, được đi học… vào cái thời điểm mà khối các nước XHCN Đông Âu đang náo loạn, chỉ hai năm sau là Liên Xô tan rã. Những biến cố như Cách mạng nhung, Công đoàn đoàn kết của Lếch Valesa (Lech Walesa) đang quậy dữ. Qua truyền thông Việt Nam thời bấy giờ, chỉ thấy đó là những trò phá bĩnh. Một mối lo sợ mơ hồ về việc khối XHCN Đông Âu mà nòng cột là Liên Xô sẽ không còn nữa.

Cuộc sống khó khăn kinh khủng, nhất là với những gia đình công chức, trí thức làm công ăn lương như gia đình tôi. MẪN VÀ TÔI đến với tôi trong bối cảnh đó. Một anh bộ đội tên Thiêm gốc học trò, “nhà nghèo được Cách mạng dạy nên khôn” đã trở thành bạn của tôi, anh ấy giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống: đi làm, học tập… đều phải cố gắng làm hết sức, làm thật tốt trong điều kiện của mình. Mối tình lãng mạn của anh ấy với cô du kích Mẫn cũng đã đem lại cho tôi khá nhiều cảm xúc thú vị và mơ mộng. Tôi đọc đi đọc lại cuốn sách khá nhiều lần suốt trong những năm đó cho đến khi hết đại học. Ra trường, cơm áo gạo tiền… rồi từ năm 2000, những cơn bão của kinh tế thị trường thổi vào tôi và nhiều bạn trẻ khác, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ về những hoài bão, những lý tưởng của thanh niên thời chiến tranh, và cũng ngẫm nghĩ đôi chút về lý tưởng của chính mình. Tất cả chỉ dừng lại ở những suy nghĩ, vậy thôi.

Tuần trước dọn nhà, bắt gặp cuốn sách cũ MẪN VÀ TÔI. Nhân đi xa mấy ngày, vác theo để đọc lại và thấy có nhiều điều thú vị. Gác lại một bên những cách nhận định về quan hệ TA – ĐỊCH, về cả cái ranh giới giữa hai cái đó trong mỗi con người - ở thời đó, nhà văn không viết như thế, không được. Anh Thiêm đúng là một hình mẫu “vừa HỒNG lại vừa CHUYÊN”, lý tưởng, yêu Tổ quốc, yêu Bác Hồ, yêu CNXH và hết lòng chiến đấu vì nó. Cô Mẫn cũng thế. Thời bắt đầu đọc MẪN VÀ TÔI, tôi cũng ở lứa tuổi của họ, chiến đấu và mộng mơ, yêu hình mẫu mình xây dựng ở trong mộng và bất ngờ khi tình yêu thật nó đến. Tôi cũng thích cả cách hành văn nhẹ nhàng, pha chút dí dỏm của nhà văn. Cùng với QUÊ NỘI, TẢNG SÁNG của Võ Quảng trước đây, MẪN VÀ TÔI đã giúp tôi yêu mảnh đất Nam Trung Bộ đến tận bây giờ.

Điều thú vị đầu tiên là hình ảnh của Đế quốc Mỹ, hay suy rộng là hình ảnh của Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc trong MẪN VÀ TÔI nay được hình dung ra trong hoàn cảnh thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI.

“Tôi thấy nó rồi, thằng đế quốc, con quỷ ghê tởm quá sức tưởng tượng của chiêm bao, tôi chỉ thấy nó khi thật tỉnh. Con mực ma (Bạch tuộc nhỏ - chú thích của Phan Tứ), đôi khi nằm lẫn trong thúng mực ống trên bãi biển Qui Nhơn, đã được nhân lên cỡ trái đất. Nó ôm ghì một mảng nhiều lục địa, hút óc người, máu người, thịt người, để tuôn ra một dòng lạo xạo đen sì những thứ gây chết nhanh chết chậm, từ bom H đến tấm ảnh khiêu dâm, từ tên giặc lái B.52 đến điếu thuốc tẩm cô-ca-in, đủ hết.”

Đúng rồi, con quỷ Chủ nghĩa tư bản nay đã vươn đến tầm toàn cầu, nó đã chiếm được trái đất của chúng ta. Chính nó, CNTB và kinh tế thị trường đã làm hại toàn bộ thế hệ thanh niên mới của chúng ta. Họ mê muội về chứng khoán. Họ bị cuốn sang bất động sản. Họ lại mờ mắt vì SJC. Còn các cháu bé hơn của thế hệ 9x, đang quỳ xuống hôn ghế của một thằng xướng ca vô loài nào đó người Hàn quốc.

Con quỷ ấy còn ghê tởm hơn nữa, nó với cái sức hấp dẫn ghê gớm, đang thu hút hàng ngàn, hàng vạn con em của các cán bộ Cách mạng của chúng ta đến với nó, học tập những kiến thức của nó thì ít, học tập lối sống thực dụng và vật chất hóa, tự do chủ nghĩa thì nhiều. Nguy hiểm nhất là nó dụ khị cả con cái những cán bộ cấp rất rất cao, đến mức tối cao, (vừa cao lại vừa tối) của ta xây dựng gia đình với con cái của những sỹ quan Việt Nam Cộng hòa cũ – thậm chí sỹ quan mật vụ cao cấp. Cực kỳ nguy hiểm, vì chính con cái của các cán bộ ta được sự hậu thuẫn của những ông bố quyền lực đang tàn phá đất nước.

Các cán bộ của ta từ cao cấp đến trung cấp,  sơ cấp và con cái của họ nên đọc lại MẪN VÀ TÔI. Chưa đọc thì nên đọc.

Ngày hôm nay đọc lại MẪN VÀ TÔI thấy… choáng váng vì nhà văn đã nhìn thấy trước được nhiều vấn đề của xã hội ta trong thế kỷ XXI. Đây là đoạn tranh luận giữa anh Thiêm và bạn anh ấy, anh bác sỹ Duy Hảo, người theo Cách mạng nửa vời, không hết sức và tận tâm với sự nghiệp Cách mạng.

“Mày cực đoan đến từng sợi tóc. Mày đang mê đánh giặc, cô nào đánh giỏi mày mê luôn. Mày lẫn lộn giữa tình yêu và tình cảm cách mạng, giữa chọn vợ và chọn anh hùng. Cấm tự ái. Mày cũng biết Mẫn không đẹp, mới thoát mù chữ, ngoài cày cấy cô ta không biết nghề gì trong tay. Tới thời bình, một cô chỉ huy du kích khó lòng được phong làm sĩ quan chính quy. Cứ lấy nhau đi. Hai mươi năm sau tao đến thăm mày, sẽ thấy chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa - ấy là chân tay chúng mày còn đủ - trong nhà chẵn một chục tàu há miệng đang kéo còi muốn bay mái. Mày sẽ giơ hai tay lên trời: “Ôi, tình yêu lý tưởng!”” (Lời Duy Hảo phản đối mối tình Thiêm – Mẫn)

Hôm rồi lục trên mạng tìm lại bài báo về “Nguyên mẫu nhân vật Mẫn trong MẪN VÀ TÔI của nhà văn Phan Tứ” – bà Võ Thị Phận ở Quảng Nam, người đã từng chỉ huy du kích 12 xã vùng vành đai Chu Lai, người đã có một con với Nhà văn. Không bàn tới hoàn cảnh riêng của bà Phận ở đây, nhưng nhà văn đã nhìn thấy trước được cái cảnh ngộ của rất rất nhiều người theo Cách mạng mà làm du kích, đi thanh niên xung phong hiện nay. Họ không được phong sỹ quan, đương nhiên. Bao nhiêu năm, họ không được hưởng bất cứ một chế độ nào, không được đối xử như thương binh, người đã hy sinh không được coi là liệt sỹ. Chỉ mấy năm gần đây thôi, báo chí, truyền thông lèm bèm nhiều nhiều, thì những đối xử với họ mới khá khẩm đôi chút. Nhà văn Phan Tứ đã nhìn thấy trước điều đó từ năm 1971 khi ông viết MẪN VÀ TÔI.

Xin nhắc lại, ông rất đúng khi viết về con bạch tuộc Chủ nghĩa tư bản. Nguy hiểm nhất là hiện nay nó đang bám rất chắc trong đầu óc của đại đa số cán bộ của chúng ta, từ lãnh đạo đến tầm tầm đến bé tí, nó là mầm mống của sự tha hóa của phần lớn cán bộ ngày nay.

MẪN VÀ TÔI vẫn còn nguyên sức sống là như thế. 

No comments:

Post a Comment