Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, February 15, 2012

Sau kính xe…

Kính xe con cả trước và sau, là hai chỗ khá thuận tiện để gài vào một vật dụng nào đó. Cuốn sổ tay, tập tài liệu, tờ báo… những giấy tờ phục vụ cho việc kiểm soát như thẻ ra vào cổng cơ quan cũng thường được gài vào đó.

Tôi quen sơ sơ một ông anh có chiếc Toyota khá mới, ngoài giờ đi làm thường làm thêm, chạy “dịch vụ”. Đợt ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI anh ấy ký hợp đồng chở ai đó đi họp, và được phát cái thẻ “Phục vụ Đại hội Đảng”, gài sau kính. Chữ phục vụ be bé thôi, còn chữ Đại hội Đảng thì to, màu đỏ trên nền trắng, nổi bật. Hết Đại hội, cái việc đó chấm dứt, nhưng tấm thẻ vẫn được gài đến nửa năm sau. Tôi hỏi, sao anh không bỏ đi, anh ấy cười cười, giải thích: để đó, “anh em” (ý là các anh CSGT) nhìn thấy cũng nể hơn. Nhưng có lần, vi phạm luật giao thông, ông anh vẫn bị phạt, không xin xỏ gì được.

Gần nhà tôi có một gia đình, mở quán bán “chim trời thú săn” ở đường ven Hồ Tây. Ông bố khoảng gần 60, nhưng ăn mặc thì bặm trợn, cũng xăm trổ, móng tay dài, dây xích vàng to khự… rõ là tay đầu gấu về hưu. Ông con hình dáng bên ngoài cũng tương tự. Cũng đợt đó, nhà đó kiếm được cái hợp đồng cung cấp thực phẩm hay gì đó cho Đại hội. Và thế là chiếc Mazda 3 màu trắng, trên thân dán tem vằn vện được trang bị thêm tấm thẻ “Phục vụ Đại hội”, nó cứ chạy loăng quăng như thế đến tầm 5, 6 tháng sau mới bị bỏ. Nhìn mặt hai ông lái xe đầu gấu, chẳng ai có thể nghĩ ông ấy là Đại biểu, hay một vị nào đó tương tự. Ấy thế mà, hai bố con vẫn thích chưng cái ấy ra đằng sau kính xe, như là một “biểu tượng”.

Khu chung cư cuối ngõ có một chiếc Camry đen hay chạy ra chạy vào, sau kính là tấm thẻ “Thanh tra chính phủ”. Lại gần mới thấy chữ “Thẻ ra vào cổng” in bé xíu. Rồi có lần tôi nhìn thấy những tấm thẻ tương tự: “Bộ Quốc phòng” hoặc “Tổng cục… BCA”… Tôi đã từng công tác ở một cơ quan Nhà nước to to kiểu như thế, nhưng chỉ chưng những “biểu tượng” đó khi cần thiết, còn thì cất kín, nghĩ cũng chẳng cần thiết trưng ra những cái đó làm gì.

Mấy năm gần đây rộ lên cái mốt để sau kính xe một cái mũ, hoặc mũ công an, hoặc mũ bộ đội. Anh em làm trong ngành công an hay bị các chú người nhà làm lái xe xin mũ thừa để dùng cho mục đích đó, nhưng các chú ấy không xin mũ an ninh, vì nhìn giống mũ… bảo vệ, hoặc tự quản Phường. Ổn nhất là mũ vàng CSGT, sau đó đến mũ cảnh sát màu nõn chuối, sau đó mới đến mũ bộ đội. Có lần gặp một thanh niên đầu trọc, lái chiếc Ford Laser cũng có cái mũ đằng sau kính, thái độ rất hung hăng, người cũng đầy rồng rắn… tôi tự hỏi, liệu ngành công an có để anh chàng này lọt được vào lực lượng không nhỉ? Có lần hỏi một anh bạn trẻ, thấy có cái mũ sau kính: “cậu là công an à?” “Dạ không, em không phải công an” “Thế có người nhà công an à?” “Cũng không, nhà em không có ai công an” “Thế sao lại có cái mũ công an sau xe thế?” “Em trai em có bạn đi lính nghĩa vụ trong công an, em xin một cái để cho yên tâm, các anh ấy tưởng mình có người nhà “trong ngành”!”. Chán hết biết.

Một lần nọ, có chiếc Kia Morning đỗ ở Liễu Giai, hai người ở trong ngủ khò khò. Chiếc xe của CSGT đỗ lại phía sau, một chiến sỹ trẻ bước xuống, lại gần và quay lại báo cáo anh trung tá ngồi trên xe “Báo cáo anh, trên xe có mũ ngành!” “Mũ ngành càng cần phải kiểm tra!” – Đúng, mũ ngành càng cần phải kiểm tra!

Đọc đâu đó trên mạng, thấy có câu: người có học sợ luật, người không có học sợ Công an – thấy thú vị thật đấy. Ngẫm kỹ ra, đúng là người Việt Nam ta có thói quen viện dẫn ông nọ, ông kia người quen ra để dọa, để xin để xỏ… mà không thích có thói quen sống đàng hoàng theo Pháp luật. Mặt khác, có nhiều cán bộ chiến sỹ công an của ta còn xuê xoa, dễ dãi, cả nể…

Nói thêm, gần đây có nhiều chuyện đã làm hình ảnh người chiến sỹ công an bị ảnh hưởng nhiều theo hướng… xấu đi. Nghĩ đến chuyện đó, thú thực, nếu có là công an thật, tôi nghĩ mình cũng ngại chưng cái mũ…

No comments:

Post a Comment