Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 12, 2011

Về Va-xi-li Dai-sép và những đồng chí của anh, những người thiện xạ

PhuongNN

“Bên kia sông Vôn-ga không có đất cho chúng ta” – Va-xi-li Dai-sép

Va-xi-li Dai-sép là một trong những thiện xạ ưu tú nhất của Hồng quân trong cuộc Chiến tranh Giữ nước vĩ đại.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, vài tháng sau khi anh tới chiến trường Xta-lin-grát, từ tháng Mười năm 1942 cho đến khi bị thương ở mắt vì một mảnh mìn, anh đã tiêu diệt được 242 tên lính Đức.

Sau này, Dai-sép viết một vài cuốn sách về cuộc chiến đấu của anh: “Chuyện lính bắn tỉa”, cuốn sách được anh đọc cho phóng viên chép lại và được cơ quan thông tin của Hồng quân xuất bản. Cuốn hồi ức chiến tranh đầu tiên của anh được xuất bản năm 1956: “Với người thiện xạ: Bên kia sông Vôn-ga không có đất cho chúng ta”.

Va-xi-li Gri-gô-riê-vích Dai-sép sinh ngày 23 tháng 3 năm 1915, trong một gia đình thợ săn ở Chê-li-a-bin-xcơ. Năm 1936, sau khi rời trường phổ thông anh phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hồng quân, với chức vụ … người thủ thư. Anh làm “thuỷ thủ” trong năm năm liền, cho đến khi chiến tranh bùng nổ. Không thể chịu đựng được hoàn cảnh phẳng lặng của Thái Bình Dương khi phía Tây quân Đức đang lao đến, cùng với 20 thuỷ binh trẻ tuổi khác, anh tình nguyện ra mặt trận, tới Xta-lin-grát. Và ở đây anh lại tiếp tục nghề thợ săn truyền thống của gia đình, nhưng không phải là săn thú mà săn thú hai chân, thú dữ phát-xít. Trước đó, anh chưa bao giờ nhìn thấy một cái gì tương tự như khẩu súng trường có kính ngắm. Một ngày tháng Mười năm 1942, bằng một khẩu súng trường có thước ngắm bình thường, anh đã hạ một tên lính Đức bắn súng máy ở cự ly hàng trăm mét. Chỉ huy của anh đã chứng kiến và phát hiện một tài năng mới. Anh được khen thưởng và được tặng một khẩu súng trường gắn kính ngắm quang học. Từ đó anh được giao những nhiệm vụ riêng: đi săn quân Đức. Chiến thuật và kỹ thuật đi săn anh đã tự mình hoàn thiện dần trong chiến đấu.

Sau đó anh được giao nhiệm vụ thành lập “trường” dạy bắn tỉa đầu tiên ở chính thành phố Xta-lin-grát đang bị bao vây và đổ nát, giữa các trận chiến đấu bảo vệ thành phố. Trong điều kiện chiến đấu trong thành phố, khi mà các ngôi nhà của ta và của địch đan xen, cài răng lược thì bắn tỉa là một trong những chiến thuật hiệu quả, “khó chịu” nhất.

Duy nhất chỉ có một thiện xạ ở Xta-lin-grát là tốt nghiệp trường thiện xạ Mát-xcơ-va, còn tất cả những người lính bắn tỉa khác ở đây đều là học trò của anh.

Trong trận đánh vĩ đại ở Xta-lin-grát, chiến đấu trong hàng ngũ Tập đoàn quân 62 của Tướng Va-xi-li Trui-cốp có các nhà thiện xạ: Dai-sép, Chê-khốp, Mét-vê-đép… và nhiều người khác nữa, họ là những người anh hùng nhưng rất khiêm nhường. Họ có thể nhìn một vật rất lâu không chớp mắt, bàn tay rắn chắc nếu nắm tay ai thì như gọng kìm sắt.

Họ thường đi săn từ lúc sáng sớm tinh mơ, chọn vị trí, ngụy trang và kiên trì chờ đợi. Bất kỳ một sơ suất nhỏ, một sự vội vã đều có thể dẫn đến nguy hại chết người. Quân Đức bị mất nhiều lính do bắn tỉa cũng phải tìm cách đối phó lại. Chỉ cần có một hai tên lính hoặc sỹ quan bị hạ là quân Đức dội pháo và súng cối vào các khu vực khả nghi, bắt buộc các thiện xạ phải di chuyển để tránh bị tiêu diệt. Quân Đức cũng tổ chức những đội thiện xạ của chúng để đi “săn” lại các thợ săn Hồng quân. Và một tên thợ săn Đức đã thành công: bắn Dai-sép bị thương một bên mắt.
Họ rất tiết kiệm đạn, không bắn hú hoạ, vì mỗi lần bắn là có thể lộ mục tiêu và bị tiêu diệt. Mỗi viên đạn phải diệt được một quân thù!

Dai-sép đã tìm được một người học trò xứng đáng, Mét-vê-đép. Anh sau này còn chiến đấu đến tận Béc-lin, và số quân Đức bị anh “săn” được vượt xa cả thày của mình. Cùng với Dai-sép, anh cũng tìm kiếm và huấn luyện các nhà thiện xạ mới.

Hoạt động của các thợ săn Hồng quân làm cho quân Đức hết sức tức tối, qua các truyền đơn của Hồng quân, chúng tính toán được chính xác các thiệt hại do các nhà thiện xạ gây ra cho chúng. Bằng cách đi săn những tên sỹ quan, trinh sát và trắc thủ pháo binh, xạ thủ súng máy… các nhà thiện xạ Xô-viết đã làm cho Tập đoàn quân dã chiến số 6 Đức rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng. Hoạt động tích cực của họ đã khiến quân Đức không dám thò mặt ra ngoài. Mệt mỏi và khó chịu!

Cuối tháng Chín năm 1942. Một cuộc trinh sát, các chiến sỹ tóm được một “cái lưỡi”. Tên tù binh khai mới có một chiếc máy bay chở tên giám đốc trường dạy bắn tỉa ở Béc-lin, thiếu tá Cô-nig tới Xta-lin-grát để “săn” Dai-sép, hạ cho bằng được người thiện xạ Xô-viết nổi tiếng.

Đại tá Ba-chi-úc, sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 284, triệu tập các nhà thiện xạ đến và nói:

- Tôi nghĩ rằng tên bắn tỉa cao cấp vừa từ Béc-lin tới không làm các nhà thiện xạ của chúng ta phải lo ngại, phải thế không, Dai-sép?

- Chắc chắn là như vậy, thưa đồng chí đại tá! - Dai-sép trả lời.

- Phải thanh toán hắn, tên bắn lén cao cấp này. Nhưng phải hành động thận trọng và khôn ngoan đấy!

Thời gian này, lực lượng các chiến sỹ thiện xạ Hồng quân ngày một đông, đã tiêu diệt nhiều ngàn tên phát-xít. Việc tên bắn tỉa cao cấp đến mặt trận đặt ra cho các chiến sỹ nhiệm vụ tìm ra hắn, kiên nhẫn chờ thời cơ để tiêu diệt hắn.

Dai-sép kể lại:

Về cuộc đấu súng này, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra ban đêm trong căn hầm của chúng tôi. Mỗi nhà thiện xạ phát biểu phán đoán và kết luận của mình, qua việc quan sát liên tục tuyến một của địch. Nhiều cách đánh, cách dử mồi được đề ra. Nhưng nghệ thuật của người bắn giỏi ở chỗ, mặc dù đã có kinh nghiệm của nhiều người, người thiện xạ vẫn là người quyết định trận đánh. Mặt đối mặt với quân thù, mỗi lần anh lại phải sáng tạo và hành động một cách mới khác.

Không thể có một phương pháp tiêu chuẩn cố định cho người xạ thủ, nếu máy móc, bảo thủ, cứng nhắc thì tức là tự vẫn.

Nhưng cái tên bắn lén cao cấp từ Béc-lin tới ẩn nấp ở đâu? - các xạ thủ hỏi nhau. Tôi biết được đặc điểm của những tên xạ thủ bắn tỉa Đức qua quan sát cách bắn, cách ngụy trang của chúng, và tôi có thể phân biệt được dễ dàng những tay bắn có kinh nghiệm và những tay mới vào nghề, phân biệt được những tên hèn nhát với những tên kiên trì và quyết tâm. Nhưng tính tình của tên xạ thủ nổi tiếng Đức này còn là điều bí ẩn. Các cuộc quan sát hàng ngày của chúng tôi không đem lại được kết luận gì chính xác. Khó mà nói được Hắn ở khu vực nào. Chắc chắn là Hắn thay đổi vị trí luôn và cẩn thận tìm tôi cũng như là tôi tìm hắn. Nhưng rồi đã xảy ra sự việc, địch bắn vỡ ống ngắm của đồng chí Mô-rô-dốp và bắn bị thương Chây-kin, những xạ thủ có kinh nghiệm và thường thắng trong những cuộc đọ sức và đấu trí phức tạp và gay go nhất với địch. Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã đụng phải Hắn, tên bắn tỉa thượng hạng mà tôi đang lùng.

Rạng sáng, tôi cùng với xạ thủ Nhi-cô-lai Cu-li-cốp tới chỗ ngày hôm trước mà Mô-rô-dốp và Chây-kin đã nấp. Quan sát tuyến một của địch, tôi không thấy có gì mới lạ. Ngày tàn dần, và bỗng nhiên một chiếc mũ Đức xuất hiện trên chiến hào của quân Đức và di chuyển chậm chạp dọc theo đường hào. Bắn chăng? Không! Đó là một cái bẫy; chiếc mũ không hiểu sao lại đung đưa một cách không tự nhiên, chắc là do một tên khác cầm, còn Hắn thì rình tôi nổ súng trước, để lộ vị trí mới ra tay.

- Cái thằng này nó nấp ở chỗ nào nhỉ? -  Cu-li-cốp hỏi trong khi chúng tôi dựa vào đêm tối, rời nơi phục kích. 

Qua một ngày kiên nhẫn chờ đợi và quan sát, tôi đoán là Hắn cũng chỉ ở gần đây thôi. Phải đặc biệt cảnh giác.
Ngày thứ hai trôi qua. Liệu thần kinh tôi có đủ vững vàng không? Trong hai người, ai sẽ là kẻ khôn ngoan hơn và chiến thắng?

Nhi-cô-lai Cu-li-cốp, người chiến hữu trung thành của tôi cũng say sưa với cuộc đấu trí này. Anh cũng tin rằng đối phương ở trước mặt chúng tôi, và có niềm tin chắc chắn rồi chúng tôi sẽ thắng.

Ngày thứ ba, Đồng chí cán bộ chính trị Đa-ni-lốp cũng ra vị trí phục kích cùng với chúng tôi. Buổi sáng bắt đầu như thường lệ. Bóng đêm tan dần. Từng phút, vị trí địch hiện lên ngày càng rõ thêm. Cuộc giao tranh diễn ra ác liệt ở gần đó, đạn pháo rít lên ở trên đầu nhưng chúng tôi vẫn dán mắt vào ống ngắm, không ngừng theo dõi những gì diễn ra trước mặt.

- Nó đây rồi! Tớ sẽ chỉ cho các cậu! - Đa-ni-lốp bỗng thốt lên một cách sôi nổi.

Anh vừa vô ý nhô lên một chút thôi, chỉ  trong một phần của giây thôi cũng đủ để Hắn bắn anh bị thương. Tất nhiên, phải là một tên có kinh nghiệm mới bắn được như thế. Tôi quan sát các vị trí của địch rất lâu nhưng vẫn không tìm ra được chỗ nấp của tên bắn tỉa đó. Từ việc Hắn nổ súng rất nhanh, mà tôi đi đến kết luận là nó nấp ở chỗ nào đó ngay trước mặt chúng tôi. Tôi tiếp tục quan sát. Bên trái là một chiếc xe tăng bị phá huỷ, bên phải là một chiếc lô cốt dã chiến. Nhưng tên phát-xít nấp ở đâu? Ở trong chiếc xe tăng chăng? Không, một người thiện xạ có kinh nghiệm như Hắn thì không dại gì mà chui vào trong chiếc xe tăng đó. Hay là trong chiếc lô-cốt dã chiến? Cũng không phải, lỗ châu mai đã bít. Ở khoảng giữa chiếc xe tăng và chiếc lô-cốt có một tấm tôn nằm phơi mình trên mặt đất bằng, cạnh một đống gạch vỡ. Tấm tôn này nằm ở đó đã lâu nên không ai để ý. Tôi tự đặt mình vào địa vị của Hắn và suy nghĩ xem nấp ở đâu là tốt nhất? Tại sao không đào một cái hố ở dưới tấm tôn để nấp? Ban đêm đào một đường hào ra chỗ tấm tôn và ngụy trang mặt hào có được không?

Phải rồi! Chắc là Hắn nấp ở đó, ở dưới tấm tôn nằm trên mặt đất bằng phẳng không ai chú ý. Tôi quyết định kiểm tra lại. Tôi lồng chiếc bao tay vào đầu chiếc gậy và giơ lên. Hắn mắc mưu ngay. Tôi cẩn thận hạ chiếc bao tay xuống và xem xét vết đạn. Đạn đi thẳng, như vậy là hắn nấp dưới tấm tôn.

- Nó ở kia, thằng khốn kiếp! – Cu-li-cốp phục ở gần tôi nói nhỏ.

Bây gìơ phải làm sao để cho nó lộ ra, để cho ít nhất một phần đầu của Hắn nằm trong kính ngắm. Tất nhiên là lừa hắn lúc này là không ăn thua, cần có thời gian. Chúng tôi đã nghiên cứu và rõ về tính tình của Hắn. Hắn rất kiên nhẫn và sẽ không rời chỗ nấp thuận tiện. Chính chúng tôi mới phải thay đổi chỗ nấp của mình. Chúng tôi chuẩn bị chỗ phục kích một đêm và ở lại đó cho đến sáng. Bon Đức hướng đạn pháo của chúng về các bến vượt qua sông Vôn-ga. Trời sáng nhanh và cuộc giao tranh trở nên dữ dội thêm. Nhưng tiếng gầm của đại bác, tiếng nổ của đạn cối và bom cũng không làm chúng tôi sao lãng hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt trời mọc. Cu-li-cốp bắn một phát vu vơ để kích thích sự chú ý của Hắn. Chúng tôi quyết định phải chờ thời cơ, đến lúc ánh nắng không làm phản quang kính ngắm làm lộ vị trí của chúng tôi. Xế chiều, súng của chúng tôi sẽ nằm trong bóng râm, còn mặt trời sắp lặn sẽ rọi thẳng vào vị trí của Hắn. Có cái gì đó lấp lánh ở mép tấm tôn: một mảnh thuỷ tinh tình cờ rơi ở đó hay kính ngắm của Hắn? Cu-li-cốp thận trọng như những người thiện xạ có kinh nghiệm nhất mới làm được, giơ một chiếc mũ lên. Hắn nổ súng. Tin chắc là lần này Hắn đã hạ được người xạ thủ Xô-viết mà Hắn đã săn từ bốn hôm nay, Hắn thò nửa đầu ra khỏi tấm tôn để nhìn. Đó là điều tôi mong đợi. Tôi bắn trúng đích. Đầu tên phát-xít ngả xuống và kính ngắm của nó tiếp tục lấp lánh dưới ánh mặt trời, ở nguyên tại chỗ cho đến chiều… 

Va-xi-li Dai-sép kể về cuộc đấu trí với thiếu tá Cô-nig

Va-xi-li Dai-sép cùng với nhiều chiến hữu của mình, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. (Ngày 22 tháng Hai năm 1943). Va-xi-li Gri-gô-riê-vích Dai-sép mất ngày 15 tháng Hai năm 1991.

Trong thành phần Tập đoàn quân 62, không chỉ có các thiện xạ bộ binh, mà còn có cả các thiện xạ pháo binh và súng cối:

Pháo thủ săn xe tăng Prô-tô-đi-a Cô-nốp, người dân tộc Iếc-cút, cao lớn và rất khoẻ. Còn lại một mình với khẩu pháo chống tăng 45mm ở giữa chiến hào ta và địch, tại một chỗ thấp trên sườn bắc của đồi Ma-mai-ép, nhưng ngụy trang khéo đến nỗi bon lính lái xe tăng Đức chỉ có thể phát hiện khi xe tăng của chúng đã bị bắn cháy hoặc hư hại. Cô-nốp đã hạ được rất nhiều xe tăng “loạng quạng” đi qua trước mũi súng của anh.

Tuy nhiên cũng có một lần chúng căn cứ theo đường đạn mà phát hiện ra chỗ nấp của anh. Chúng nã pháo và cối vào đó như mưa, một mảnh đạn làm vỡ kính ngắm của pháo. Prô-tô-đi-a Cô-nốp vẫn không rời súng, tiếp tục ngắm qua nòng pháo, nhanh nhẹn lắp đạn và tiếp tục bắn xe tăng địch.

Khẩu đội trưởng súng cối Xi-e-đơ-lít-cô còn bắn tỉa xe tăng bằng súng cối. Ít xe tăng nào đi qua trước vị trí của anh mà thoát được. Anh có thể bắn súng cối trúng lỗ ống khói!

Đọc thêm: 

No comments:

Post a Comment