Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, December 6, 2011

Đời sống văn hóa – văn nghệ thời bao cấp

Đoàn Bông Sen diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội 
Hồi đó, Hà Nội có khá nhiều rạp chiếu phim hoạt động thường xuyên. Khu vực quận Hai Bà Trưng đáng kể có rạp Mê Linh (“Mê Linh vừa kinh vừa tởm”), Bạch Mai (gần chợ Mơ – “Bạch Mai vừa khai vừa thối”), những câu “ngạn ngữ” dùng để chỉ cái thời đó, có những thành viên của xã hội không chịu đi vào nhà vệ sinh (cũng rất đáng kinh sợ) mà “phang” luôn vào các góc tối của rạp.

Oách hơn một chút là rạp Tháng Tám. Để xem kịch thì có Đại Nam, Công Nhân, được đi xem ở Nhà Hát lớn thành phố là một ước mơ. Có một dạo, tôi thường xuyên được đi xem ở Nhà hát lớn, chẳng hiểu tại sao nữa. Rạp Kim Đồng, “chuyên trị” phim thiếu nhi. Có những rạp hồi đó tôi chưa bao giờ được vào xem, như rạp Dân Chủ dưới Khâm Thiên, rạp Đặng Dung trên Quan Thánh…

Cảnh phim “Xổ số thể thao ‘82”
Các phim được chiếu ăn khách thời đó là các phim Liên Xô -  thường được đánh giá cao nhờ các phim “tâm lý xã hội” như “Sân ga dành cho hai người”, “Mátxcơva tình yêu của tôi”, “Mátxcơva không tin những giọt nước mắt”… những phim hành động – oánh nhau từ đầu đến cuối như “Người thứ sáu”, “Những kẻ báo thù không thể bị bắt”, “Chiếc mũ trắng”, những phim hài như “Xổ số thể thao ‘82”… Những phim của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác như “Vệ sỹ”, “Ông hoàng một đêm” (Ba Lan), “Tượng nữ thần”, “Bộ sưu tầm tem bị mất” (Hungari)… làm cho người xem xích gần với “thế giới tư bản” hơn nhờ những cái “khác” (hay có "cảnh nóng") của điện ảnh các nước này.

Một dòng phim khác cũng thu hút khá nhiều người hâm mộ, là dòng phim Ấn Độ, vừa oánh nhau, vừa hát. Có lần đi học qua rạp Mê Linh thấy người ta đang chen nhau bẹp ruột để vào xem “Tình yêu và những giọt nước mắt”. Lần khác, ở Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng (Trại Găng, nằm trên phố Bạch Mai), người ta tổ chức chiếu video phim “Taqua tướng cướp” bằng cái TV JVC 29 inches, phát từ băng video nhòe nhòe nhoẹt nhoẹt, tiếng thuyết minh qua bộ loa biểu diễn sân khấu, ồn ào và nghèn nghẹn, người ta vẫn há hốc mồm ra để xem, lúc về đầu óc chỉ lưu lại những màn đấm đá và hát hò của điện ảnh Ấn Độ mà không ghi nhận được mấy về nội dung. Tôi cũng đã từng được xem “El Cid”, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” theo kiểu đó.

Có năm, tự dưng người xem Hà Nội được hưởng trận “tuần lễ văn hóa Pháp” kỷ niệm 195 năm Cuộc cách mạng pháp 1789, được xem “Mari Ăngtoanét” rất ấn tượng. Sêri phim hài của ông Luis De Funès về mấy ông cảnh sát ngộ nghĩnh của thành phố biển miền nam nước Pháp Saint Tropez cũng hay được chiếu rạp.

Vấn nạn của đi xem phim thời bao cấp, là đang xem mất điện. Rạp Mê Linh thường xuyên bị cắt điện bất thình lình. Rạp Tháng Tám thì cực kỹ hãn hữu bị cắt điện, rõ là quận Hoàn Kiếm nó cũng có khác. Khủng khiếp lắm - đang xem, thì đột nhiên tất cả tối om, một bầu không khí nóng bức và ngột ngạt bao trùm, tiếng trẻ con khóc thét, các cô thiếu nữ thì rú lên vì đang có những bàn tay thô tục, bẩn thỉu và nhớp nháp đang rờ rẫm xung quanh, còn bọn thanh niên du côn (*) thì hú lên rùng rợn: “Giả lại tiền đêêêêêêêêêêêêê!...”. May phúc thì có điện xem nốt, còn nếu kéo dài đến trên 10, 15 phút thì thôi, giải tán đi về.

Đang xem, thỉnh thoảng cũng có vụ phim ngừng, đèn trong rạp bật sáng, bà con ngồi co chân lên ghế trò chuyện rôm rả, quạt phành phạch. “Phim chưa về…” hồi đó một bản phim mấy rạp chiếu chung, nên phải lệch giờ đi để rạp này đề-pa trước, rồi có một anh đến đón lõng ở cửa rạp, nhận cuốn phim vừa chiếu xong, buộc sau xe đạp phóng hộc tốc về rạp khác. Thường là từ Tháng Tám về Mê Linh cũng gần, nhưng có hôm đang phóng, quận phim buộc sau poóc-ba-ga xe đạp sút dây lăn lông lốc bung bét ra đường, thế là bà con phải chờ… Đi xem phim mà co chân lên ghế, thì thường bị mất dép do bọn đằng sau chúng nó khua mất.

Về sau, có những chỗ tụ điểm văn hóa cũng rất văn minh như Cung Hữu nghị Việt – Xô, rạp Khăn quàng đỏ trong Cung thiếu nhi…

Về ca nhạc – tạp kỹ, thường thì gây được nhiều xôm tụ thường có Hải Đăng Phú Khánh trong kia ra ngoài Bắc làm mưa làm gió, mang lại một làn sóng mới trong sinh hoạt ca nhạc nhẹ, với phong cách chơi nhạc hiện đại hơn, cách biểu diễn thoáng đãng hơn, dù nhiều khi vẫn chỉ “Vũng Tàu biển hát”, “Trị An âm vang mùa xuân”…

Gửi xe vào Nhà hát lớn Hà Nội xem đoàn Bông Sen biểu diễn
Kịch kọt thì ở rạp Đại Nam có hồi người ta làm rầm rĩ lên bởi vở chèo cải tiến “Nàng Sita”. Tôi đã kể rằng hồi đó hay được đi xem kịch ở Nhà hát nhớn thành phố: “Lão hà tiện” của Molière, “Rômêô và Giuliét” của Shakespeare… hồi đó Chí Trung đóng Rômêô, hình như Lê Khanh thì phải, đóng Giuliét… đẹp thôi rồi. Anh Chí Trung mà đọc được đoạn này, rồi nhìn xuống cái bụng mỡ tha hồ tiếc hùi hụi. Hồi đó nghệ sỹ Lê Chức cũng là một nghệ sỹ kịch tôi rất mến mộ.

Kịch truyền hình hồi đó hay có những “hảo thủ”: Trịnh Mai – Trịnh Thịnh, Phạm Bằng… rồi hai bác Trần Kiếm (đã mất) – Hoài Linh thường đóng những vai gián điệp Hoa Nam Tình báo Cục (ví dụ như vở “Sau màn sương lạnh” – theo truyện cùng tên của Trần Hữu Tòng)… thời này là thời của những “Tin ở hoa hồng”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Những con ngựa xanh trên thảm cỏ đỏ”. Ấn tượng nhất là bác Đức Trung, vai anh Bátxana trong “Quy luật của muôn đời” (dựa theo tiểu thuyết của Đumbátzê).

Nhiều nghệ sỹ gây được cực nhiều ấn tượng. Lệ Quyên với “Mùa xuân gọi” (Trần Tiến), bây giờ cô ấy đi biến đâu mất. Chú Dương Minh Đức thì phong thanh là hiệu trưởng trường nghệ thuật gì đó của quân đội. Còn có cái cô Đam Ka, mũi cao như Vạn Lý Trường Thành. Cô Vũ Dậu có lần “song phi” với chú Ngọc Tân trên tivi bài “Vaxilô” (**)  múa múa lượn lượn điệu cha cha cha, cực kỳ ngộ nghĩnh. Rồi cô Ái Vân, nghệ sỹ nhân dân đẹp tuyệt trần và hết sức tài danh, tự dưng biến mất với cái xìcăngđan bỏ đất nước mình để ở lại nước người, rồi người ta lan truyền cái tin đồn chuyện cô ấy bị “oánh bẫy” bằng cách “lén quay phim cảnh nóng” cô ấy năm sáu anh negro… nghe mà khiếp - ấy có ai được xem tận mắt đâu, cứ là nghe đồn thế.

Lan truyền “special version” - Vietnamese lyric of Rico Vacilón:
Em yêu ơi, đừng yêu cái thằng bụi đời
Yêu anh đi, nhà anh có đài xập xình
Anh chưa to, nhà em có đài truyền hình
…. Vaxilô, xì-bô (***)   vứt đầy gậm giường…
Nghĩ lại mà chết cười

Một dạo, ở chỗ 49 Trần Hưng Đạo, hay có “Nhạc thính phòng”, cũng thu hút được nhiều bác có tuổi, vì hay hát nhạc tiền chiến, phong trào này hình như chính là nguyên nhân sinh ra câu “ngạn ngữ” chỉ đạo nghệ thuật – Khắc Huề.

Dãy xe đạp dài ngoằng
Đi xem phim ở rạp, nếu nhà nào đi xe máy thì gửi và lấy đều nhanh hơn đi xe đạp. Ông cậu tôi đi cái xe đạp Xpútnhích của Liên Xô gửi ở phố Vọng Đức, đi vào Tháng Tám xem xong, ra mất béng nó cái cụm phanh sau.

Ở cửa rạp thì thường có bán hạt bí, lạc rang, bi ron ron đóng vào những cái phễu giấy. Cũng có những thứ như táo dầm, khế dầm, ômai, nhưng tôi chẳng bao giờ được thưởng thức, chắc do người lớn ngại mua, và chắc cũng sợ thằng bé ăn xong về đau bụng.

Đi xem phim, xem hát thời đó nói chung có hai cái sướng là ít nhất. Thứ nhất là được xem, cái đó đã rõ. Thứ hai, là xem xong, ra ngoài trời có “máy điều hòa”. Một bầu không khí mát lạnh, thoáng đãng đập vào mặt, nó đối lập với cái mùi ngột ngạt, nóng bức và chua loét ở trong rạp.

Hai lần tôi được xem có điều hòa, đó là ở Hội trường Ba Đình, xem phim “Biệt động Sài Gòn” và ở Cung Hữu nghị Việt - Xô, xem đoàn Sao Mai của bác Mì Chả, có cả anh Thương Tín đi đôi giày đế cao gộc, hát như karaoke luôn. Đó là mãi sau này, bỏ bao cấp rồi.

Bài Rico Vacilón do Xavier Cugat trình bày từ thập niên 1950

(*) Rạp Mê Linh là nơi tập trung của những “khu” rất nổi tiếng về “độ gấu”, “quân khu” như ngoài đê Vạn Kiếp, dưới đê Thanh Lương, Vạn Hoàng – Trần Khát Chân, Tô Hoàng, Vân Hồ… đều kéo về đó cả.

(**) Rico vacilón - Bản Cha cha cha nổi tiếng thập niên '50 của thế kỷ trước 

(***)  Dép Sambo bằng da, đế kếp xốp xốp, vác ở tận trong “nước” Sài Gòn ra

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment