Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, December 17, 2011

“Đánh hàng địa chỉ”

Vátxkhốt 3M
Nghe dân xuất khẩu lao động kể chuyện đánh hàng từ Liên Xô về, còn có một mảng còn thiếu mà tôi có nghĩa vụ phải bổ sung. Đó là hoạt động phân phối những hàng đó ở Việt Nam.

Vậy, những mặt hàng hồi đó, các bác nhà ta thường gửi về, là những gì? Thôi thì đủ thứ, vải hoa (để bọc), vở (dùng để chèn thùng), dây mayxo, bếp điện, lò sưởi dầu, ấm điện, bàn là, tủ lạnh, loa S30, S50, S70, S90, AC100... ampli và đầu câm “nuốt” Radiotechnika, vòng bi, phụ tùng xe đạp (chủ yếu là pêđan, bộ cụm phanh Kháccốp, xích, líp, đùi đĩa, moayơ...), phụ tùng ôtô (Zil cũng có, nhưng chủ yếu là đồ cho Kamaz và Uaz, như piston, xécmăng, bộ bạc biên - paliê, trục khuỷu, cả bộ đềmarơ, bạt phủ mui kính to, kính bé cho Uaz, bulông tắckê, phần gầm có cả bộ cầu xe, nhíp...); xe máy Minsk 125cm3 hoặc Vaxkhốt 3M 175cm3... mãi về sau mới có phụ tùng thay thế cho xe máy, chứ hồi đầu thì thường mua cả chiếc. Mặt hàng chiến lược hồi đó là loa, vòng bi, phụ tùng xe đạp, xe máy, ôtô, đồ điện gia dụng, đồ nhôm và nhất là niken tấm.

Hồi những năm 1991, 1992, là thời kỳ người Việt mình đánh hàng về theo dạng hàng chậm khi về nước ồ ạt, sau khi Liên Xô đổ ụp. Vì thế, việc đánh hàng không có tổ chức, người có hàng thường là người nhà của một bác nào đó ở bên Nga, việc mua bán không biết giá cả thế nào, tù mù, còn bọn mua hàng thì y như những con cáo, chó sói chỉ rình rình bắt gà. Hồi đó, mua được hàng là cả một nghệ thuật, cốt là đến trước thằng khác. Nếu mình đến sau coi như là thua. Nhiều thằng cha, trơ trẽn đến mức mình đến rồi nó cũng đến, hoặc cũng xông vào trả giá cao hơn, hoặc trà trộn giả vờ cùng hội để mua... thôi thì đủ trò. Chính vì thế mà hồi đó, việc có được thông tin của người có hàng là hết sức quan trọng. Hồi đầu, tình hình còn khá hoà bình,  tôi là một chú sinh viên năm thứ nhất, thứ hai vì võ vẽ đọc được “chữ tiếng Nga” nên tham gia vào “lực lượng ghi chép”; lang thang ở chỗ phố Ngọc Khánh, nơi bây giờ đã mọc lên một chung cư cao cấp hai mấy tầng, chép các địa chỉ người nhận được viết bằng mực đen trên những thùng gỗ thông vào sổ tay, rồi đem về, tối mò đến. Về sau, công việc được tổ chức hơn, chỉ cần ghi chép rồi ra gọi nhờ điện thoại (tốn khá tiền) về nhà để tổ chức đón ngay khi hàng nhà người ta chở về nhà. Có nhiều nơi để có thể chép được địa chỉ: Ngọc Khánh, Giảng Võ, Đường Láng... về sau còn mò lên tận sân bay Nội Bài, giúi tiền cho bọn cargo để được cho vào... chép. Vì mạnh dạn ứng dụng “công nghệ thông tin” nên đội Chợ Giời rất nhanh, thường là chớp trước bọn khác, có mặt ngay khi người ta chở hàng về đến nhà. Cái trò này, gọi là “đánh hàng địa chỉ”.

Ngoài ra, mỗi nhóm còn có một “tổ cơ động” đi ngoại tỉnh, mạnh dạn đầu tư một vài chiếc Suzuki 100, Cub 81 loại 70 phân khối thay ống xả “quả nhót” nổ xé rách tai, chạy khắp các tỉnh miền Bắc để mua hàng. Phải nói rằng, đến nhà người ta mua được hàng là cả một nghệ thuật. Những gia đình lần đầu được nhận hàng, thì gần như là sợ sệt, lo lắng, lấm la lấm lét chủ yếu là đề phòng… hàng xóm. Vì thế nhiều khi mình đến trước đã đành, nhưng người ta nhấm nhẳn, hoặc lạnh nhạt không tiếp, nên phải tiếp tục trực chiến một vài hôm. Bọn đi đánh hàng “địa chỉ” nhẵn mặt nhau, nhìn mà phát ghét, chuyện đánh cãi nhau cũng là thường tình. Hội “Chợ Giời” là mạnh nhất, toàn thanh niên nhanh nhẹn, khỏe và cũng gấu nữa. Tất nhiên, là kể như thế, từ góc độ chỉ là làm thuê thôi, đứng trên có chủ mua hàng cấp vốn.

Một nguồn hàng nữa, là hệ thống cửa hàng “ký gửi” mọc lên như nấm. “Bọn địa chỉ” cũng thường xuyên đi vòng vòng các cửa hàng đó, có khi mua được hàng và kiếm thêm được địa chỉ.

Đi mua hàng thường phải “múc tất”, có nghĩa là bao nhiêu, mua tất. Giá cả, thường lung tung beng nhưng bao giờ cũng lãi. Những món như dây điện, ổ cắm, đèn nhấp nháy, bếp điện ấm điện, bàn là, quạt… là hạng trung bình, đẩy ra chỗ Nhà Quàn (KTT Nguyễn Công Trứ), vòng bi, phụ tùng ôtô, niken, xe máy Minkhơ là những mặt hàng chiến lược. Điều đó có nghĩa là, chiến lược phải cõng được cho những mặt hàng trung bình và những mặt hàng “lật đật” (dùng để chỉ những thứ linh tinh như lật đật, búp bê, mũ hồng quân cho trẻ con đội…). Nếu nhà nào mà khui thùng hàng có một lượt niken tấm (quả trám hoặc carô) ở dưới, ở trên là phụ tùng máy móc, vòng bi, xe Minkhơ thì ăn đủ, bán một thùng có thể mua được cả cái nhà Hà Nội. Xe Vatxkhốt khó bán hơn một chút vì người ta không chuộng. Chiếc Minkhơ màu đỏ, xanh nước biển sẫm hoặc vàng, phụ tùng còn phủ nguyên lớp mỡ bảo quản khô cứng màu vàng, thường được tháo rời cho dễ đóng thùng, quấn đầy một lớp vải cốt tông màu trắng, thô thô. Vải này, thậm chí người ta tẩy đi, bán về quê còn may được quần áo. Gặp thùng hàng nào toàn lật đật, matrioshka, máy quay đĩa thì… vứt đi.

Làm một thời gian, có mấy ông lái ôtô, thường là các chiến sỹ lái xe trong Nhà nước, nhảy ra ngoài, mua được chiếc Volga, hoặc Uaz (cả mấy loại: chỉ huy, cứu thương hoặc Uaz tải), cứ loanh quanh chở hàng thuê cho tụi này. Mỗi xe được cử một “phụ xe”, vừa bốc hàng hộ gia chủ miễn phí và tiến hành mua hàng tại chỗ.

Niken hồi đó mua được thì quý như vàng và nguy hiểm như ma túy. Mặt hàng này, phải đẩy lại cho một tay chuyên mua tên là T. ở KTT Bộ Lâm nghiệp, nay ở phố Lê Gia Đỉnh. Bất chấp quả trám hay carô, những tấm Niken được hắn cùng một chú khỉ đột thừa sức khỏe nhưng thiếu trí tuệ, chặt nhỏ thành các dẻo dài, một tấm chặt ra được khoảng 4, 5 dẻo như thế. Họ quấn vào bao tải rồi chở đi đâu không rõ, thấy bảo chuyển cho chủ khác bán sang Trung Quốc. Có lần, mua được mấy tấm ở Sơn Tây, thuê xe lam chở về Hà Nội. Hàng hóa khác đã được cho chở xe máy về, còn tôi ngồi áp tải xe lam. Ông xe cứ cằn nhằn chú chở cái gì nặng thế, em phải bảo là sắt tấm lót sân bay. Xe chạy ì ạch, bung biêng từ giữa buổi sáng đến tối mịt mới về đến Hà Nội, chủ yếu là để tránh công an. Các chú ấy mà túm được là vĩnh biệt trường đại học luôn.

Nồi, chậu nhôm cũng là mặt hàng chiến lược. Bán cho một nhà trong làng Thanh Nhàn, họ lại nấu ra… nồi và chậu nhôm giống y, tất nhiên là mỏng dính chứ không dày kình kịch như của Liên Xô. Chả gì mà, cái chậu Liên Xô dùng hàng chục năm, của ta thì vài năm đã thủng. Hồi đó cái đít chậu phải đổ nhựa đường chống mòn. Thằng bạn học cùng, làm thêm cho một nhà đúc chậu kiểu đó. Mình đem hàng đến đổ, thấy mỗi hai cái mắt cậu thao láo nhìn sau khẩu trang, nó nhúng cái chậu đen xì vào bể xút, nhấc lên chậu trăng tinh…

Vòng bi buôn cũng hay. Mình vì máu mua hàng, nhiều khi cứ phải mua tù mù, đến khi người ta mang ra thì… vòng bi toàn số hiểm, không bán được. Gặp phải ông nào khôn đánh về toàn 6301, 6302… thì OK, vì đó là những cỡ thông dụng (ổ bánh xe Honda), chứ gặp những cỡ cả đời mới có một cái máy hỏng thì “ôm mồm”.

Thỉnh thoảng, cũng vớ được một hai cái xe đạp Xpútnhích hoặc Sport. Xe Xpútnhích gác đờ bu sơn trắng, rẻ hơn Sport gác đờ bu mạ sáng. Xe đạp Liên Xô  không được ham chuộng lắm vì quả thực, khó bán.

Radio VEF 206 cũng là mặt hàng
người ta hay gửi về từ Liên Xô
 
Một mặt hàng nữa là linh kiện điện tử. Toàn mặt hàng ra tiền cả. Thứ nhất là điốt 100A và 200A. Cái thứ này, với nền công nghiệp cô-ôpêrachíp(*) của ta, rất cần. Bọn thuốc pháo, bọn mạ điện… đều cần cả. Điốt thì nặng, nhưng mua được thì sướng. Thứ nữa, là “bóng đồng” (transistor), chân mạ vàng cực dày. Cái thứ này chuyển cho bọn “phân kim” nó tách hết vàng ở chân ra rồi chuyển lại cho chợ Giời bán vẫn tốt. Một mặt hàng có giá khác nữa, là Áptômát Liên Xô, ối giời ôi, hồi đó mua được cũng sướng lắm.

Về sau, người có hàng cũng khôn hơn. Bọn mua hàng đến nhà phải mặc cả chết thôi, do người ta đi khảo giá rồi. Có khi, gặp phải thằng bỏ bom, nó giả cao ngất rồi bỏ đi, làm nhà người ta ôm mãi không bán được còn mình thì cũng chẳng mua được.

Thời hoàng kim dần qua đi, sau đó đến thời của các chủ hàng “tướng, soái” gì đó đánh trực tiếp hàng từ Nga về, ở Việt Nam có các chủ hàng lớn mua trực tiếp luôn.

Còn rất nhiều mặt hàng khác nữa, nhưng mà lâu quá em quên mất rồi. Có những cái mà nhà người ta không bán, như đồ lưu niệm, tủ quần áo, tủ gương… chứ cũng có những ông đánh về đến hàng chục con lật đật không biết để làm gì???
___________
(*) Hợp tác xã

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. còn thiếu bạch kim(các hạt đính trong các contact), và thủy ngân đỏ... vụ đó mình làm được tý, heheheh nhưng chỉ là hàng hàn lâm thôi chứ dân lao động không có cửa.

    ReplyDelete