Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, November 21, 2011

Những ánh mắt

Ở nước Nga ngày nay có nhiều người Nga mới. Họ đi xe đẹp, đeo kính trắng sang trọng, diện những bộ đồ lớn đắt tiền và trông họ giống… người Pháp, nhất là trong cách cư xử. Ta có thể nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh. Trông vẻ mặt họ rất thông minh, tự tin và hiểu biết công việc. Họ vội vàng, thời gian với họ là tiền bạc.

Ở nước Nga, có thể gặp được ở khắp nơi những ánh mắt hết sức kỳ lạ. Nhìn vào trong đó, ta có thể cảm nhận thấy nhiều điều.

Đó là ánh mắt của những người nghèo, không phải là những người xin ăn, mà là những người đang phải làm những việc gì đó, bằng cách nào đó để sinh sống. Cũng có người đi nhặt rác, cũng có những người quét tuyết. Hiện nay, ở Matxcova có nhiều người dọn tuyết gốc Trung Á, nhưng vẫn có những người Nga làm nghề đó, thậm chí có nhiều người già. Cũng có người đi nhặt nhạnh vỏ chai, vỏ lon nước, túi nilông… Cũng có người hát. Trên phố Arbat cũ có một bà cụ đứng hát rất hay những bài dân ca Nga, cả ngày trong thời tiết giá buốt. Dưới Metro “Thư viện mang tên Lênin”, tôi đã dừng lại nghe cả giờ những bản “Cánh đồng Nga”, “Chiều hải cảng”… được một ông cụ thổi armonica tuyệt hay, dùng lưỡi đánh nhịp cẩn thận. Tôi biếu cụ 50 rub và cụ dừng lại nhìn tôi, tôi thấy trong ánh mắt cụ là đất nước Liên Xô vừa mới xa, với chúng ta còn thân thương lắm. Ga Arbatxkaia, có hai thanh niên một chơi ghita, một chơi keyboard, khi nhìn thấy có một người châu Á đứng lại nghe, họ tự động chơi bài “Địa chỉ của tôi, Liên bang Xô-viết”. Chỉ thấy họ nhìn ta, có vẻ thân thiện dù có đưa tiền cho họ hay không.

Ta đi ngang qua họ, nhiều khi họ tạm nghỉ tay và nhìn ta, cũng không biết họ nghĩ gì. Ta chỉ thấy trước mắt ta một người lao động chân chính, ta thấy gần gũi với họ.

Có lẽ ta sẽ thấy gần gũi hơn với những người Nga có tuổi, chắc thế… Nhìn nhiều người trong số họ, ta thấy cuộc sống ở nước Nga mới hoàn toàn không dễ dàng. Alvin Tofler đã viết khi sức đẩy lên xã hội gia tăng, thì có nhiều người của thế hệ mới theo được trong khi phần lớn những người của thế hệ cũ tụt lại sau. Ta biết, ta có thương họ cũng không thể làm gì được, không thể móc túi cho tất cả những người nghèo số tiền mà ta có. Cả những người Nga tốt bụng cũng đang bất lực. Cả những người có tâm huyết trong những cơ quan công quyền cũng sẽ bất lực, như toàn thế giới đang bất lực trước sự phân hóa xã hội. Nhưng, không có gì ngăn được cảm xúc con người, nhất là khi nó đang trào lên cùng với cảm xúc bất lực…

Trong nước Nga, có nhiều nước Nga. Có nước Nga của những người vẫn còn là người xô-viết. Có nước Nga của những người đang không theo được với cuộc sống thời thị trường mở cửa. Chắc chắn nước Nga đang bị giằng xé trong những lối sống, những suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau. Mười năm nữa, sẽ lại có một nước Nga mới, khi những người gắn bó chặt chẽ với đất nước vĩ đại đã ra đi kia, cũng ra đi theo nó. Nếu ai đó đã từng sống ở nước Nga thời xô-viết nay quay lại nước Nga, thì sẽ thấy còn rất nhiều những cái cũ, như những đường phố, những ngôi nhà… nhưng được phủ lên một tấm áo không hẳn là mới hoàn toàn. Nếu công cuộc đổi mới ở Việt Nam đem lại cho đất nước một diện mạo hoàn toàn mới so với cái màu sắc xám xịt thời bao cấp, thì ở Nga không hẳn như thế. Đó là về diện mạo bên ngoài. Cũng như Việt Nam ta, nước Nga ngày nay còn chất chứa những cái cũ cần phải bỏ, những cái cũ cần giữ lại, những cái mới cần du nhập và những cái mới cần phải từ chối…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment